Chú tôi đòi độc chiếm căn nhà thừa kế vì di chúc mập mờ

Ngay sau khi ông nội tôi qua đời, chú giữa lập tức đòi anh chị em trong nhà phải ký giấy sang tên căn nhà bố để lại cho mình.

Trong bài viết trước, tác giả Tuan Hai đã chia sẻ về “Sáu nguyên tắc chia thừa kế giúp ‘dẹp loạn’ con cái” như: không sang tên tài sản cho con cái khi còn sống, lập di chúc rõ ràng, con nào cũng có phần, xây dựng mối quan hệ giữa các con từ nhỏ, không ký giấy tờ các con đưa mà chưa đọc kỹ, không bán nhà vì con, không sống chung với con cái… Tất nhiên, đó là cách làm lý tưởng để không xảy ra những tranh chấp tài sản thừa kế sau này giữa các con.

Tuy nhiên, tiếc là cuộc đời này không đơn giản vậy, như trường hợp của gia đình tôi là một ví dụ. Ông bà tôi có bảy người con. Lúc lớn lên, ba và các cô chú khác của tôi đều ra ở riêng, còn riêng gia đình chú giữa của tôi là ở lại sống cùng ông bà.

Sau này, khi ông mất đi, có để lại di nguyện là giao lại ngôi nhà cho chú quản lý, để chú ở và tiếp tục lo thờ cúng tổ tiên. Kèm theo đó là một lời dặn dò hơi khó hiểu: “Khi nào chú xây lại nhà thì anh em phải phụ thêm tiền bạc, công sức”. Rồi bà, ba tôi và các cô chú khác cũng đồng ý làm theo di nguyện của ông.

Vừa rồi, chú tôi đề nghị ba và các cô chú khác ký vào biên bản đồng thuận sang tên căn nhà từ mẹ (bà nội tôi) sang cho chú. Tất nhiên là mọi người đều đồng ý ký, nhưng với một điều kiện: ngôi nhà đó sẽ phải coi như là nhà từ đường và chỉ để chú ở và thờ cúng ông bà, tổ tiên, rồi truyền thừa lại cho đời sau tiếp tục kế thừa, chứ nhất định không được bán.

Nghe vậy, chú tôi một mực không đồng ý ghi điều kiện đó vào văn bản, với lý do: “Mọi người làm như vậy là coi thường chú, hoặc là chú sẽ không cần sang tên nữa”. Đến giờ, tôi cũng chưa biết kết cục câu chuyện này ra sao, mọi người có đồng ý sang tên căn nhà cho chú hay không, nhưng có vẻ như do thiếu bằng chứng pháp lý, và để giữ cho gia đình êm ấm, nên mọi chuyện sẽ phải theo ý của chú .

Vậy theo các bạn độc giả VnExpress, trong trường hợp của gia đình tôi, sẽ phải giải quyết thế nào mới ổn thỏa? Cá nhân tôi thì thấy không thể chấp nhận được chuyện “quyền lợi thì hưởng trọn, nhưng trách nhiệm thì mập mờ hoặc muốn lảng tránh” như vậy được.

Ba tôi và các cô chú khác, khi ra ở riêng, dù không trực tiếp chăm sóc ông bà, nhưng vẫn về thăm hỏi thường xuyên, mùa đồ ăn, thức uống, thuốc men về biếu rất nhiều, chứ không phải đi biệt và phó thác hết mọi thứ trách nhiệm phụng dưỡng cho chú thím. Tiền bạc cho việc dưỡng già của ông bà cũng có phần lớn của cô chú tôi bên nước ngoài gửi về, chứ không phải là do chú giữa đảm nhiệm.

Vậy mà giờ, vì cái mác ở cùng để chăm cha mẹ lúc cuối đời mà chú tôi muốn giành hết phần đất của ông bà để lại vì mục đích riêng, không dám cam kết việc gìn giữ nhà đất của tổ tiên. Làm như vậy, thử hỏi có chấp nhận được không?