Tất cả khoản phí phải nộp khi làm sổ đỏ năm 2024, người dân nên biết đừng nộp hơn

Không làm sổ đỏ trước 2026, người dân có thể phải đóng thêm nhiều tiền

Từ 1/1/2026, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ áp dụng bảng giá đất mới, dựa trên nguyên tắc thị trường. Điều này có thể dẫn đến việc tăng chi phí để làm sổ đỏ.

Đây là một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8.

Cụ thể, khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai 2024 quy định, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết thì UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Còn tại Điều 159, Luật Đất đai 2024 quy định, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.

Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Trong khi hiện nay, theo quy định của Luật Đất đai 2013, bảng giá đất được ban hành 5 năm/lần được xây dựng căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá, khung giá đất và chỉ điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất/giá đất có biến động.

Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã bỏ khung giá đất. Bảng giá đất được ban hành, căn cứ phương pháp định giá, không căn cứ giá đất tối thiểu, tối đa của từng loại đất theo khung giá đất hiện nay. Do đó, bảng giá đất mới sẽ tiệm cận giá thị trường, có thể tăng lên so với hiện hành.

Khi đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) lần đầu, có ba khoản tiền phải nộp được tính theo bảng giá đất là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (nếu có) và lệ phí trước bạ. Trong đó, tiền sử dụng đất thường là khoản chi phí lớn nhất (trừ một số trường hợp không phải nộp).

Do dựa vào bảng bảng giá đất mới nên bảng giá đất tăng thì tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (nếu có) và lệ phí trước bạ đều sẽ tăng theo.

Các khoản tiền phải nộp khi làm sổ đỏ mới nhất

Sổ đỏ hay sổ hồng là cách chúng ta thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất dựa theo màu sắc bìa của giấy chứng nhận. Khi làm sổ đỏ tại cơ quan đăng ký đất đai, đa số người dân vẫn chưa biết để làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ cần nộp các khoản phí nào. Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây để biết tối đa 5 loại chi phí mà người sử dụng đất phải nộp nếu muốn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Theo Khoản 3 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật”.

Theo khoản 1 Điều 63 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, nghĩa vụ tài chính gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai và lệ phí trước bạ; nghĩa vụ tài chính do cơ quan thuế xác định.

Lưu ý: Trường hợp được miễn, được ghi nợ nghĩa vụ tài chính và trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì được nhận Giấy chứng nhận ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp.

Khi được cấp Giấy chứng nhận, người sử dụng đất phải nộp các khoản tiền theo thông báo của cơ quan thuế như sau:

1. Tiền sử dụng đất

Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất (khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013).

Không phải tất cả người dân đều phải nộp tiền sử dụng đất khi xin cấp sổ đỏ lần đầu. Tiền sử dụng đất phải nộp trong các trường hợp theo Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP như sau:

– Cấp sổ đỏ với đất đã sử dung ổn định từ trước ngày 15/10/1993 mà không có giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật đất đai năm 2013

– Cấp sổ đỏ với đất đã sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 mà không có giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật đất đai năm 2013

– Cấp sổ đỏ với đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước này 01/4/2004

– Cấp sổ đỏ với đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm pháp luật đất đai kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà nay được Nhà nước xét cấp Giấy chứng nhận.

1.1. Khi công nhận quyền sử dụng đất

Chỉ một số trường hợp được cấp Giấy chứng nhận khi công nhận quyền sử dụng đất mới phải nộp tiền sử dụng đất, cụ thể:

Theo khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013 được hướng dẫn chi tiết bởi Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận và có thể phải nộp tiền sử dụng đất nếu đủ các điều kiện sau:

– Đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai;

– Nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch.

1.2. Khi giao đất

Theo Điều 55 và điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất trong những trường hợp sau phải nộp tiền sử dụng đất khi được cấp Giấy chứng nhận, gồm:

– Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở;

– Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;

– Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.

1.3. Cách tính tiền sử dụng đất trong từng trường hợp cấp sổ đỏ

Trường hợp 1: Trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất

(1) Thông qua đấu giá: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì tiền sử dụng đất phải nộp là số tiền trúng đấu giá.

(2) Không thông qua đấu giá: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất thì tiền sử dụng đất phải nộp được xác định theo công thức sau:

Tiền sử dụng đất phải nộp = Giá đất tính thu tiền sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất x Diện tích đất phải nộp tiền sử dụng đất – Tiền sử dụng đất được giảm theo quy định tại Điều 12 Nghị định 45/2014/NĐ-CP (nếu có) – Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền sử dụng đất (nếu có)
Trong đó:

– Giá đất được xác định theo giá cụ thể của từng cơ quan địa phương.

– Diện tích đất phải nộp tiền sử dụng là diện tích đất có thu tiền sử dụng đất được ghi trên quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

– Tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là tiền bồi thường, tiền hỗ trợ tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà nhà đầu tư đã tự nguyện ứng cho Nhà nước.

Trường hợp công trình nhà ở, công trình hỗn hợp nhiều tầng gắn liền với đất được Nhà nước giao đất cho nhiều đối tượng sử dụng thì tiền sử dụng đất được phân bổ cho các tầng và đối tượng sử dụng.

Trường hợp 2: Chuyển mục đích sử dụng đất

– Mức thu tiền sử dụng đất này đã quy định rõ trong Khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP.

Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở sang đất ở
– Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai 2013 sang làm đất ở.

– Chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01/7/2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở.

* Mức thu tiền sử dụng đất

Tiền sử dụng đất phải nộp = 50% x (Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở – Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp)

Chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở

Cụ thể, đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất chuyển sang đất ở thì tiền sử dụng đất phải nộp bằng với mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở so với tính theo giá đất nông nghiệp.

Cụ thể, số tiền sử dụng đất là gì sẽ được tính theo công thức sau đây:

Tiền sử dụng đất phải nộp = (Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở) – (Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp)

Trong đó, tiền sử dụng đất người dân phải nộp phải phụ thuộc vào tiền sử dụng đất theo giá đất ở và giá đất nông nghiệp tại nơi có đất và tùy từng thời điểm. Để biết cụ thể về quy định này, người dân có thể liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện.

Chuyển từ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở
– Khi sử dụng đất phi nông nghiệp dưới hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01/07/2014 thì cách tính tiền sử dụng đất được áp dụng theo công thức sau:

Tiền sử dụng đất = (Tiền sử dụng đất tính theo giá ở) – (Tiền sử dụng đất phi nông nghiệp của thời hạn sử dụng đất còn lại)

– Trường hợp Nhà nước cho thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở dưới hình thức trả tiền thuê đất 1 lần cho toàn bộ thời gian thuê, khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở phải chuyển từ đất thuê sang giao đất. Cách tính tiền sử dụng đất được áp dụng theo công thức sau:

Tiền sử dụng đất = (Giá đất ở) – (Tiền thuê đất phải nộp 01 lần theo giá đất phi nông nghiệp của thời hạn sử dụng đất còn lại)

Trường hợp sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở dưới hình thức được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm thì

Tiền sử dụng đất = 100% tiền sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích sử dụng của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Lưu ý: Khi chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp sang đất ở thì căn cứ vào nguồn gốc đất nhận chuyển nhượng để thu tiền sử dụng đất.

Trường hợp công nhận quyền sử dụng đất

Khi công nhận quyền sử dụng đất trong hạn mức

Căn cứ Điều 6, 7, 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức của hộ gia đình, cá nhân được tính như sau:

Tiền sử dụng đất phải nộp = Giá 01m2­ đất trong bảng giá đất x Diện tích được công nhận quyền sử dụng đất trong hạn mức

Tuy nhiên, mặc dù có công thức tính tiền sử dụng đất như trên nhưng tùy thuộc vào thời điểm sử dụng đất ổn định mà số tiền phải nộp vào ngân sách khi được cấp Sổ đỏ, Sổ hồng có thể là 100% (nộp đầy đủ) hoặc nộp 50% (nộp ½ số tiền theo công thức trên).

2. Lệ phí trước bạ

Lệ phí trước bạ

Căn cứ Nghị định 10/2022/NĐ-CP và Thông tư 13/2022/TT-BTC, mức lệ phí trước bạ phải nộp đối với nhà đất khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vẫn được giữ nguyên so với trước đây, cụ thể mức thu lệ phí là: 0,5%.

Cách xác định lệ phí trước bạ phải nộp như sau:

Lệ phí trước bạ phải nộp = 0,5% x Giá tính lệ phí trước bạ

Dựa theo công thức chung như trên, xác định số tiền phải nộp theo từng trường hợp như sau:

Lệ phí trước bạ phải nộp = 0,5% x (Giá 01m2 đất trong Bảng giá đất x Diện tích được cấp sổ)

Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
Diện tích đất chịu lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai xác định và cung cấp cho cơ quan Thuế.
Ví dụ: Ông A có thửa đất ở 100m2, giá đất ở chỗ có thửa đất của ông A là 02 triệu đồng/m2, khi được cấp Giấy chứng nhận ông A phải nộp lệ phí trước bạ là:

Lệ phí trước bạ = (02 triệu đồng x 100m2) x 0.5% = 01 triệu đồng

3. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận

Theo khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí cấp Giấy chứng nhận do HĐND cấp tỉnh quyết định nên mức thu từng tỉnh, thành có thể khác nhau.

Các tỉnh thành thu không quá 100.000 đồng/giấy/lần cấp, trừ một vài tỉnh thu 120.000 đồng.

Xem chi tiết tại: Toàn bộ chi phí làm Sổ đỏ của 63 tỉnh thành

4. Phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ

Phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ là khoản tiền cơ quan chức năng thu khi làm công việc thẩm định hồ sơ, đảm bảo điều kiện cần và đủ cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy mô diện tích của thửa đất, tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, mục đích sử dụng đất và điều kiện cụ thể của địa phương để quy định mức thu phí cho từng trường hợp.

=> Do đó, mức phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ của các tỉnh, thành phố sẽ có sự khác nhau. Ngoài ra, không phải địa phương nào cũng thu phí thẩm định hồ sơ khi cấp sổ đỏ. Hiện tại chỉ có 44/63 tỉnh thành phố thực hiện thu phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ lần đâu.

Ví dụ: Phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ tại TP. Hà Nội quy định tại Nghị quyết 20/2016/NQ-HĐND, đối tượng không phải nộp phí là các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu. Mức thu phí cụ thể là:

– Hồ sơ giao đất, cho thuê đất: 1.000 đồng/m2 đất được giao, cho thuê; tối đa 7.5 triệu đồng/hồ sơ.

– Hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: 0,15% giá trị chuyển nhượng, tối đa 05 triệu đồng/hồ sơ.

5. Chậm nộp tiền sử dụng đất khi làm sổ đỏ

Theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là:

Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo.
Chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo.
Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo thông báo trong trường hợp xác định lại số tiền sử dụng đất phải nộp quá thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà hộ gia đình, cá nhân chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, không nộp tiền sử dụng đất nếu được coi là hành vi vi phạm hành chính về thuế và theo quy định sẽ bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo Khoản 1 Điều 42 nghị định này:

Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp.

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

6. Thủ tục làm sổ đỏ khi mua bán nhà, đất đã có sổ đỏ

Hồ sơ xin cấp sổ đỏ
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1 bản gốc + 3 bản sao công chứng) của chủ cũ
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên
Sơ đồ kỹ thuật thửa đất (nếu có)
Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (bản sao, công chứng)
Các giấy tờ khác như giấy đăng ký hết hôn, biên bản thỏa thuận về tài sản của vợ chồng có liên quan đến phần đất này… (nếu được yêu cầu).
Thủ tục cấp sổ đỏ
– Bước 1: Nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã; hoặc Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất ở.

– Bước 2: Ủy ban nhân dân; Văn phòng đăng ký đất đai; Sở tài nguyên và môi trường phối hợp giải quyết hồ sơ cho công dân.

– Bước 3: Trả kết quả

Nếu hồ sơ đủ điều kiện cấp Sổ đỏ, Văn phòng đăng ký đất đai; sẽ trao Giấy chứng nhận QSDĐ cho người được nhận; Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã; thì gửi Giấy chứng nhận QSDĐ cho Ủy ban nhân dân cấp xã để trao cho người được cấp.