‘Bất công khi nhiều người ngồi không vẫn giàu nhờ sốt đất’

Trong khi người lao động làm việc quần quật cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc, nhiều người có đất đầu cơ trong tay chỉ ngồi không vẫn thu tiền tỷ’.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra tình trạng “sốt đất” từ nông thôn đến thành thị. Nửa quý đầu năm nay, Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã xử lý hơn 29.000 giao dịch liên quan đất đai. Sốt đất mang đến nhiều cơ hội đổi đời cho người dân địa phương, không ít hộ gia đình vốn thuộc diện nghèo khó, nay bỗng nhiên lại có tiền nhờ bán đất giá cao. Nhưng bên cạnh đó, sốt đất cũng để lại những hệ lụy lâu dài mà chỉ người trong cuộc mới thấm thía.

Độc giả Thanh An Vu nói về những bất công trong xã hội phát sinh từ câu chuyện sốt đất: “‘Có tiền cứ mua đất để chờ tăng giá, rồi tự nhiên lại có thêm đất’ – đó là tư tưởng của nhiều người thời nay. Điều đó quả nhiên không sai. Bản thân tôi cũng có một vài tài sản là bất động sản và dự tính sẽ tiếp tục tích trữ thêm đất nếu có cơ hội. Đơn giản vì nó đem lại nhiều lợi ích cho bản thân mình. Nhưng cái tôi muốn nói ở đây, đó là đi kèm với những cái lợi trước mắt đó, là bất công trong xã hội ngày một tăng cao.

Nếu mảnh đất của tôi có giá 5 tỷ đồng, đương nhiên tôi sẽ vui vẻ khi hàng tháng cho thuê được 10 triệu đồng (bằng lương cử nhân đại học ra trường làm tám tiếng một ngày), sau một năm tôi sẽ có 120 triệu (trong khi bản thân không phải làm gì). Đấy có thể xem là thành quả do tôi đã cố gắng để mua được ngôi nhà trên. Nhưng sẽ là vô lý, thậm chí rất vô lý, nếu một, hai năm sau, giá ngôi nhà của tôi tăng lên thành 10 tỷ đồng (trong khi tôi vẫn chẳng làm gì). Và sẽ vô lý cùng cực nữa nếu sau ba năm tiếp theo, ngôi nhà của tôi lại tăng thành 20 tỷ.

Vậy là sau khoảng 5 năm, tôi đã kiếm được tận 15 tỷ đồng, trong khi bản thân gần như chẳng làm gì cả. Vậy số tiền trên, theo các bạn là do nó tự sinh ra, là đầu tư chính đáng hay sao? Trong khi đó, những người lao động, làm việc quần quật hàng chục tiếng mỗi ngày, cũng chỉ giỏi lắm là đủ ăn, đủ mặc, thiếu trước hụt sau, chứ đừng nói đến mua được nhà. Đấy là lý do tôi muốn nói rằng, giá bất động sản càng cao thì bất công trong xã hội càng lớn”.

“Nhờ đất mà người dân đổi đời, có cuộc sống tốt hơn, vậy sốt đất đâu có gì xấu?”, đó là suy nghĩ của không ít người khi tham gia vào cuộc chơi đầu cơ đất. Tuy nhiên, bạn đọc Abcxyz nêu quan điểm phản biện: “Tôi tin rằng chúng ta ít nhiều cũng có những khái niệm cơ bản về đầu cơ và lạm phát. Việc này làm tôi nhớ đến truyện cổ tích ‘Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho’. Tóm tắt ngắn gọn câu chuyện này, đó là một người làm nghề ăn xin, nhưng chịu khó và biết tích góp, nên cũng có ít tài sản tích trữ. Do một yếu tố cá nhân, Thạch Sùng biết sẽ có thiên tai đã lấy của tích trữ ra, lựa chọn đầu tư vào lương thực.

Năm ấy, một trận lụt dẫn đến mất mùa, nạn đói tràn lan. Giá lương thực tăng gấp một trăm lần. Có khi một thoi vàng chỉ đổi được một đấu gạo, thậm chí còn không có gạo để đổi. Và anh Sùng thế là phất lên. Vậy điều này đâu có gì xấu? Thạch Sùng sử dụng trí óc và sức lao động của mình, chấp nhận rủi ro để đầu tư vào đây. Và anh ta xứng đáng với thành quả đó mà.

Giờ hãy thêm một ít ‘mắm muối’ cho câu chuyện này: Những người đổi một thoi vàng lấy một đấu gạo ấy, một số họ lúc trước cũng không giàu có gì, nhưng nhờ anh Sùng thu mua giá gấp đôi, họ nhanh chóng đổi đời. Và rồi, nạn đói ập đến, họ nhanh chóng trở lại với cảnh nghèo ngày xưa do phải mua lại những gì mình bán với giá cắt cổ.

Vậy trách ai bây giờ? Là do tự bản thân họ, không ai ép buộc, tất cả do thị trường quyết định phải không? Có điều, ở đây, thị trường bị tác động thêm bởi hai yếu tố: một là do thiên tai (tự nhiên) và hai là do Thạch Sùng đầu cơ tích trữ. Quay trở lại với câu chuyện đầu cơ đất hiện tại, tôi xin nhường lại những liên hệ cho các bạn”.

Đồng quan điểm về nhưng hệ lụy tiêu cực mà sốt đất gây ra, độc giả Hạnh Bùi chia sẻ: “Đứng trên vai trò của người có đất, đương nhiên nhiều người sẽ thấy vui vì bán được giá cao nhờ sốt đất. Nhưng đa phần họ bán rồi cũng tiêu xài dần đến hết, chưa kể những bất hòa có thể xảy ra, sau này con cái cần đất làm ăn cũng không mua lại nổi. Còn đứng trên vai trò người có nhu cầu mua đất để ở và sản xuất thì tiền nào mua nổi?

Ở quê, nông dân cần mua đất trồng trọt, chăn nuôi nhưng không gánh nổi khi đất ruộng giờ cũng có giá 400-500 triệu đồng cho 1.000 m2. Người có tiền thì mua đất rồi bỏ hoang đó, hỏi thuê cũng không cho vì chẳng đáng bao nhiêu, rồi lại phiền phức khi muốn bán. Vậy là mọi hoạt động sản xuất đều bị đình trệ vì hệ lụy của đất tăng giá.

Ở Việt Nam, nhiều người đầu tư bất động sản vì họ không biết làm gì với tiền của mình, cứ mua rồi bỏ đó. Nhưng nếu ai có tiền cũng đổ hết vào bất động sản thì xã hội sẽ như thế nào?

Ba tôi đã từng nói với chúng tôi rằng ông có thể mua nhiều đất nhưng ông đã không mua thêm, mà dành tiền đó để nuôi các con ăn học. Ông bảo đã thấy nhiều gia đình có anh chị em giành đất ông bà để lại mà chém giết lẫn nhau. Thế nên, ông muốn đầu tư kiến thức cho con cái, thay vì mua đất đai để rồi anh em lại bất hòa.

Đến giờ sau nhiều năm, những mảnh đất đã bán đều tăng giá gấp nhiều lần, nhưng ba tôi không hề hối hận. Vì anh em tôi đều được ăn học đàng hoàng và dư sức mua vài miếng đất trên Sài Gòn. Tôi nhỏ tuổi nhất nhà, hiện tại cũng đã mua được nhà thành phố và còn dư ra vài tỷ đồng. Nhưng giống ba, tôi cũng không dùng tiền đó để mua nhà đất tích trữ. Thay vào đó, tôi gửi tiền ngân hàng và đầu tư kiến thức cho con cái.

Nếu một người không làm thứ gì khác, chỉ tối ngày mua đi bán lại nhà đất, thì con cái họ cũng sẽ nhìn vào đó và nghĩ kiếm tiền rất đơn giản. Chúng sẽ nghĩ chẳng cần học hành gì cả, chỉ cần buôn đất kiếm lời là giàu nhanh, học hành cho lắm rồi cũng đi buôn đất cả. Có điều không phải ai cũng làm giàu được từ đất sốt giá, đôi khi còn tiêu pha nhiều hơn tiền kiếm được”.