Đầu tư kinh doanh đến mấy cũng không bằng ôm đất chờ thời

Bán nhà, bán đất để đầu tư sản xuất, kinh doanh, sau hai năm, tôi mất 70% số vốn, trong khi người em ôm đất, chẳng làm gì vẫn giàu.

“Cách đây sáu năm, tôi bán miếng đất của mình, dùng tiền đó đầu tư sản xuất thủy sản (nuôi cá basa), tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Trong khi đó, người em của tôi, do không thích và không biết kinh doanh, nên vẫn giữ nhà đất để cho thuê.

Sau hai năm, công ty thủy sản tôi thua lỗ, buộc phải giải thể. Kết quả, tôi mất gần 70% số tiền bán nhà đất trước kia. Còn người em tôi vẫn ngồi rung đùi nhìn giá nhà đất tăng gần gấp đôi so với lúc trước. Vậy là em tôi ôm đất nhưng tài sản xem như nhiều hơn tôi – một người tập trung sản xuất, kinh doanh – rất nhiều.

Thú thực, tôi đã rất đau lòng khi chứng kiến thực tế đó và luôn tự dằn vặt mình với câu hỏi: tại sao mình cố gắng làm ăn, cố gắng đầu tư, tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong xã hội, có đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, nhưng kết cục cuối cùng vẫn là thất bại? Buồn hơn nữa là tôi còn thua xa một người chỉ chăm chăm giữ nhà, giữ đất, không làm gì mà vẫn giàu lên trông thấy.

Thế nên, tôi cho rằng, nếu cứ để tình trạng giá nhà đất tăng vô tội vạ như thế này, thì tương lai sẽ chẳng còn ai muốn làm việc, sản xuất, kinh doanh gì nữa cả. Người ta thà mua miếng đất, căn nhà cho lành, rồi cứ giữ khư khư, để không đấy cũng được, bởi sớm muộn gì nó cũng ‘đẻ’ ra tiền.

Tôi cũng vài lần nghĩ ra ý tưởng kinh doanh mới này nọ, nhưng cứ nghĩ đến chuyện giá nhà cho thuê cao chót vót, giá đất trên trời, nên lại chùn bước, bỏ luôn. Vì tiền làm bao nhiêu, cuối tháng lại đóng hết cho chủ nhà thì tôi làm để làm gì? Thế đấy, hệ lụy rất nhiều, và càng để lâu nó càng lớn. Mong nhà nước sớm có các giải pháp cụ thể về nhà đất, ổn định an sinh và giúp kinh tế phát triển một cách bền vững”.