Bỏ việc tiếp viên hàng không, cô gái sinh năm 1996 kiếm 142 tỷ đồng/năm nhờ TMĐT

Cô gái này đã quyết định từ bỏ công việc tiếp viên hàng không, rời thành phố để về quê livestream bán lựu.

Hà Sảng sinh năm 1996, cô đến từ thị trấn Hội Lý, vùng núi Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cha mẹ của Hà Sảng là nông dân, gia đình họ trồng và bán lựu suốt nhiều năm. Hồi nhỏ, mỗi năm đến mùa lựu chín, Hà Sảng cũng cùng gia đình đi hái lựu, làm các công việc đồng áng. Cha mẹ của Hà Sảng cũng hy vọng chị em cô có thể học tập để ra khỏi núi, tìm một công việc ở thành phố và có cuộc sống tốt hơn.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Hà Sảng lên thành phố học đại học. Năm 2016, cô gia trở thành tiếp viên hàng không với mức thu nhập gần 10.000 NDT (khoảng 36 triệu đồng) mỗi tháng. Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm, Hà Sảng quyết định từ bỏ công việc tiếp viên hàng không. Cô rời thành phố phồn hoa, quay trở về quê hương.

Bỏ nghề tiếp viên hàng không, về quê livestream bán lựu
Quyết định này bắt đầu từ một nguồn cảm hứng đến một cách tình cờ. Khi còn là tiếp viên hàng không, Hà Sảng biết được thông tin về người bạn từng học cùng cấp 3, bán trái cây qua livestream ngay tại vườn và kiếm được 180.000 NDT (khoảng 640 triệu đồng) mỗi tháng. Khi ấy, livestream bán hàng còn khá mới mẻ, Hà Sảng nhận ra số người bán hàng trực tuyến và đặc biệt là bán trái cây qua livestream vẫn rất ít.

Lúc này, cô nhớ đến quê hương mình, vốn là một vùng đất nổi tiếng về lựu. Ngay khi Hà Sảng nảy ra ý tưởng sẽ bán lựu của quê mình, cô hạ quyết tâm thực hiện. Năm 2017, Hà Sảng xin nghỉ việc ở hãng hàng không và trở về quê nhà mà không hỏi ý kiến bố mẹ. Lúc đó, cô mới 21 tuổi.

Bỏ việc tiếp viên hàng không, cô gái sinh năm 1996 kiếm 142 tỷ đồng/năm nhờ TMĐT: Về quê livestream bán lựu, làm việc từ 6 giờ sáng tới nửa đêm!- Ảnh 1.
Trước khi về quê, Hà Sảng cũng đã tính toán kỹ lưỡng. Cô nhận ra rằng, bán hàng qua livestream đang rất phổ biến và đây là cách phù hợp để bán lựu. Cô đã cân nhắc nhiều yếu tố nhưng vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Cô lo lắng về “ba cái không”, đó là không có vốn, không hiểu nhiều về các nền tảng và không biết nhà phân phối.

Trước khi bắt đầu livestream bán hàng, Hà Sảng gần như chưa bao giờ tiếp xúc với công việc livestream nên cô không có nhiều kinh nghiệm. Sau đó, cô hợp tác một công ty, họ đề nghị cung cấp cho cô một tài khoản để cô có thể bán hàng.

Đối diện với camera, cô không cảm thấy hồi hộp, mà giống như đang giới thiệu trái cây nhà trồng cho bạn bè. Trong một khoảng thời gian ngắn, các phiên livestream của Hà Sảng đã trở nên nổi tiếng. Mỗi lần livestream, cô luôn xuất hiện ở trang đầu hoặc phần nổi bật. Cô không chỉ bán được nhiều lựu mà còn thu hút nhiều người theo dõi. Nhưng sau đó, cô phát hiện tài khoản do công ty cung cấp không được đăng ký dưới thông tin của mình. Bất đắc dĩ, Hà Sảng đành phải chấp nhận chịu tổn thất.

Tình huống tương tự lại xảy ra lần nữa. Cô cung cấp lựu cho một cửa hàng online khác, livestream trên tài khoản của họ và thu hút được lượng lớn người xem. Nhưng đến một ngày, họ bất ngờ nói với cô rằng họ không bán lựu nữa, chuyển sang bán mặt hàng khác.

Sau hai lần vấp ngã, Hà Sảng thực sự đã cảm thấy có chút “nản lòng”. Cô nằm khóc trong phòng, bên ngoài, cha mẹ nói: “Con thấy chưa, có một công việc ổn định như tiếp viên hàng không lại không thích hợp sao? Về quê livestream để làm gì? Bây giờ công việc tiếp viên hàng không cũng mất luôn”.

Khóc đến nửa đêm, cô lặng lẽ thu dọn đồ đạc, dự định hôm sau sẽ lên thành phố để tìm việc làm. Ngày hôm sau, khi Hà Sảng đang chuẩn bị kéo vali rời khỏi nhà, cô nhận được một cuộc điện thoại.

Đó là cuộc điện thoại đến từ một tiểu thương đã xem livestream của Hà Sảng và muốn mua hàng từ cô. Hôm đó, Hà Sảng nhận được 3 cuộc gọi liên tiếp từ các tiểu thương, họ đều muốn hợp tác với cô. Cô lại thấy con đường mình chọn đã có hy vọng và muốn thử lại lần nữa.

Vậy là Hà Sảng bắt tay vào công việc kinh doanh lựu, kiếm tiền nhờ cung cấp hàng cho các nhà bán lẻ. Dần dần, ngày càng nhiều khách hàng, tiểu thương tìm đến. Cô cảm thấy đây là một cơ hội tốt.

Khởi nghiệp thành công, giúp đỡ dân làng
Năm 2018, Hà Sảng thành lập một công ty nhỏ, chính thức khởi nghiệp. Năm đầu tiên kinh doanh, cô phải dành ra rất nhiều công sức. 6 giờ mỗi sáng, cô đi khắp các vườn lựu để kiểm tra các cây và chuẩn bị cho việc livestream. Sau đó, cô đến kho để xếp và dỡ hàng, kiểm tra thông tin đơn hàng và liên hệ với khách hàng. Hà Sảng thường bận rộn đến 2,3 giờ sáng.

Một lần, Hà Sảng đóng gói xong tất cả các đơn hàng, lúc đó đã là hơn 12 giờ đêm. Cô gọi đến 100 cuộc điện thoại cho các đơn vị vận chuyển nhưng không ai nhận đơn hàng của cô. Do số lượng đơn quá ít, nhiều công ty vận chuyển từ chối nhận hàng vì cân nhắc đến chi phí. Nền tảng đã quy định sẵn thời hạn giao hàng, chất lượng lựu cũng giảm sút nếu để bên ngoài quá lâu.

Lúc ấy, Hà Sảng đã tự nhủ rằng, sau này nhất định phải phát triển đến mức có thật nhiều đơn hàng để các công ty vận chuyển không thể từ chối. Cô cũng hết sức tận dụng cơ hội livestream, tiếp tục bán lựu qua các phiên livestream.

Cứ như vậy, đến năm 2019, đội ngũ của Hà Sảng đã cơ bản đi vào quỹ đạo và có sự hợp tác với nhiều nền tảng thương mại điện tử. Lúc này, công ty của cô đã có 14 nhân sự. Doanh thu hàng năm của Hà Sảng đã đạt mức 40 triệu NDT (khoảng 142 tỷ đồng) vào năm 2020.

Trong khi khởi nghiệp, Hà Sảng cũng nỗ lực giúp đỡ mọi người xung quanh. Mỗi năm, cô đều giúp các nông dân ở quê mình bán lựu và tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân trong làng.

Khi công ty đã hoạt động ổn định, hàng năm, Hà Sảng trích một phần doanh thu để ủng hộ các trường tiểu học địa phương và mua quần áo, giày dép cho trẻ em.

Những người bạn từng phản đối Hà Sảng quay trở về quê để khởi nghiệp giờ đây cũng đã khen ngợi cô: “Không ngờ một cô gái như cậu lại làm được, thật tuyệt vời!”.

Thành công của Hà Sảng không đến một cách ngẫu nhiên. Mỗi giọt mồ hôi mà cô đổ ra, mỗi vườn cây cô đi qua, mỗi cánh cửa cô gõ đều báo hiệu sự thành công đang đến.

Theo Sohu, Sina, The Paper