
Tồn tại kéo dài, người dân bức xúc
Thủy điện Bản Vẽ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, khởi công năm 2004 và vận hành từ năm 2010, có công suất 320 MW, sản lượng điện hàng năm 1.084 triệu kWh, đóng góp quan trọng cho lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã gây ảnh hưởng đến hơn 3.000 hộ dân tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Một trong những bất cập lớn là vấn đề bồi thường đất đai. Nhiều hộ dân không thể sản xuất, canh tác trên diện tích đất của mình dù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc đền bù chỉ áp dụng với phần đất dưới mực nước dâng hồ thủy điện (cốt 200m), còn diện tích trên mức này không được bồi thường. Điều này khiến người dân mất đất sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế.

Ngoài ra, khu tái định cư Bản Khe Ò, nơi di dời người dân để xây dựng nhà máy, cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Đến nay, do điều kiện sống không đảm bảo, hầu hết hộ dân đã rời đi tìm nơi ở khác.
Cơn bão số 4 và trận lũ lịch sử vào tháng 8.2018 càng làm trầm trọng hơn tình hình khi thủy điện Bản Vẽ xả lũ, gây sạt lở nhà cửa, mất đất sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các hộ dân ở bản Vẽ (xã Yên Na) và các khu vực lân cận.
Trước thực trạng này, UBND huyện Tương Dương đã kiến nghị cần có giải pháp khắc phục và nguồn kinh phí hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng.
Hơn 51 tỉ đồng để khắc phục tồn tại

Theo UBND huyện Tương Dương, vào ngày 10.2.2025, các bên đã thống nhất tổng kinh phí khắc phục tồn tại tại thủy điện Bản Vẽ là hơn 51 tỉ đồng, trong đó dành 30,6 tỉ đồng để giải quyết các vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư và khắc phục thiệt hại do lũ lụt năm 2018, 20 tỉ đồng để đầu tư bổ sung các công trình công cộng tại các xã bị ảnh hưởng. Số kinh phí nói trên do Tổng Công ty Phát điện 1 với tư cách chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ hỗ trợ.
Cụ thể, nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để xây dựng khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Cháo (xã Lượng Minh) cho 69 hộ bổ sung, di dời 19 hộ dân khỏi vùng sạt lở tại bản Vẽ, xã Yên Na đến khu tái định cư Khe Chóng và đầu tư hệ thống đường giao thông, kè chống sạt lở, rãnh thoát nước, cấp điện tại các khu tái định cư.
Tại huyện Thanh Chương, các xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn sẽ được đầu tư xây mới Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, sân vận động, chợ nông thôn, nhà văn hóa bản.
Tổng Công ty Phát điện 1 – chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ, đã thống nhất với UBND hai huyện Tương Dương và Thanh Chương về kế hoạch thực hiện.
Chủ đầu tư sẽ ủy quyền cho UBND huyện Tương Dương thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình. Thời gian triển khai dự kiến 18 tháng kể từ ngày ký hợp đồng ủy quyền (dự kiến ngày 1.3.2025).
Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh cho biết: “Với việc thống nhất phương án và kinh phí, chính quyền địa phương kỳ vọng những tồn tại kéo dài suốt nhiều năm qua sẽ sớm được giải quyết dứt điểm, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng”.