Chuẩn bị khởi công các tuyến đường giao thông huyết mạch hơn 1100 tỷ đồng ở Bình Thuận

Tuyến đường hơn 682 tỷ đồng phát triển khu công nghiệp

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án đầu tư đường từ thị trấn Tân Minh đi Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt vào cuối năm 2023 với số tiền hơn 682 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện 4 năm, cuối giai đoạn 2021 – 2025 và chuyển sang giai đoạn 2026 – 2030.

Chuẩn bị khởi công các tuyến đường giao thông huyết mạch hơn 1100 tỷ đồng ở Bình Thuận- Ảnh 1.

Ngã ba 46 huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận, nơi nối vào Quốc lộ 1 và Quốc lộ 55… Ảnh: HUHT

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, khi hoàn thành, tuyến đường này đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân trong khu vực, kết nối giao thông trong vùng, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo động lực phát triển các khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện Hàm Tân và các địa phương lân cận; đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Dự án đường từ thị trấn Tân Minh đi xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân sẽ kết nối giao thông tăng cường năng lực vận chuyển hàng hoá cho khu công nghiệp Tân Đức, KCN Tân Mỹ, KCN Sơn Mỹ 1, KCN Sơn Mỹ 2 và đặc biệt là cảng biển Sơn Mỹ (có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giao thông thuỷ – bộ và logistic của khu vực).

Tuyến này sẽ góp phần kết nối hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện giao thương, vận chuyển hàng hóa, là tuyến trục ngang kết nối các trục dọc là Đường sắt Bắc Nam, đường sắt cao tốc (dự kiến), đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc lộ 1, Quốc lộ 55 và tuyến đường trục ven biển (đường Cam Bình – đường số 8 – ĐT719, ĐT719B, ĐT706B, ĐT716 và Hoà Thắng – Hoà Phú) để thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Quy mô đầu tư dự án tuyến đường dài 23,71 km, điểm đầu tại Km1762+048 bên trái Quốc lộ 1A, điểm cuối Km67+150 bên trái Quốc lộ 55.

Toàn tuyến có 2 đoạn: Đoạn Km0+000 – Km0+320 có chiều rộng nền đường 27 m, chiều rộng mặt đường 14 m, dải phân cách giữa rộng 3 m, vỉa hè mỗi bên rộng 5 m; Đoạn Km 0+320 đến cuối tuyến có chiều rộng nền đường 16,5 m, chiều rộng mặt đường 14 m, dải phân cách giữa và dải an toàn rộng 1,5 m, lề mỗi bên rộng 0,5 m với kết cấu mặt đường bê tông nhựa.

Dự án cũng đầu tư, làm mới 3 cầu bê tông cốt thép dự ứng lực hệ thống cấp thoát nước. Hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy. Dự án dự kiến triển khai thi công trong 4 năm.

Thông từ phố biển lên phố ngàn hoa

Đó là tuyến đường từ trung tâm huyện Hàm Thuận Bắc đi Quốc lộ 1 đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt trong 2024 với số tiền gần 265 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh.

Chuẩn bị khởi công các tuyến đường giao thông huyết mạch hơn 1100 tỷ đồng ở Bình Thuận- Ảnh 3.

Huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận, có Quốc lộ 28 đi tỉnh Lâm Đồng và vào cao tốc Vĩnh hảo – Phan Thiết. Ảnh: Bùi Phụ

Tổng chiều dài tuyến 4.438,21 m, điểm đầu giao đường Nguyễn Tương và đường Quang Trung, thị trấn Ma Lâm, điểm cuối giao Quốc lộ 1 tại Km1686+670, xã Hàm Đức. 

Chiều rộng nền đường 33 m, chiều rộng mặt đường 2 x 9 m = 18 m, dải phân cách giữa rộng 5,0 m, lề đường mỗi bên rộng 5,0 m. Dự án cũng làm mới 1 cầu bê tông cốt thép dự ứng lực tại Km0+568,71 (qua sông Cái) với tải trọng thiết kế HL93, người đi bộ 3×10-3Mpa

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tuyến đường này nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại của người dân và khách du lịch, vận chuyển hàng hóa, giảm tải lưu lượng xe lưu thông từ Quốc lộ 1 vào đường cao tốc Bắc – Nam qua Quốc lộ 28 và ngược lại.

Tuyến đường cũng góp phần rút ngắn quãng đường, thời gian vận chuyển hàng hóa, đi lại giữa thị trấn Ma Lâm, xã Hàm Đức, các khu vực lân cận, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Quốc lộ 28 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài khoảng 40 km, nút giao QL 1A tại trung tâm TP. Phan Thiết, là tuyến đường đối ngoại quan trọng kết nối Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung nói chung.

Tuyến đường nay kết nối đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết với QL 1A và QL 20. Đây là trục giao thông trọng yếu để phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng, hỗ trợ các tỉnh trong khu vực phát huy hết các tiềm năng, lợi thế hiện có, đặc biệt phát triển “Tam giác du lịch” Đà Lạt – Phan Thiết – TP.HCM.

Tuyến đường huyết mạch phát triển vùng phố biển La Gi

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh ĐT.719 và cầu qua sông Dinh, thị xã La Gi đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt vào tháng 8/2024 với tổng số vốn gần 213 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh. Theo dự kiến, thời gian hoàn thành công trình là cuối năm 2028.

Theo thiết kế, hệ thống đường giao thông bê tông nhựa, mặt đường rộng 12m – 17m, nền đường rộng 15m – 27m và xây dựng mới cầu sông Dinh…

Chuẩn bị khởi công các tuyến đường giao thông huyết mạch hơn 1100 tỷ đồng ở Bình Thuận- Ảnh 4.

Một tuyến đường giao thông ở thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Lân – BTO

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tuyến đường này rất quan trọng bởi thị xã La Gi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận, cách TP. Phan Thiết 63 km, cách thành TP.HCM 170 km về phía Tây, cách TP Vũng Tàu 93 km về phía Tây Nam.

Thị xã La Gi có 28 km chiều dài bờ biển, chiều dài quốc lộ 55 đi qua là 10 km, chiều dài tỉnh lộ 719 đi qua dài 18 km cùng với nhiều tuyến đường khác chạy qua đã tạo cho La Gi một vị trí đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển kinh tế năng động, bền vững, hội nhập nhanh với việc phát triển kinh tế – xã hội, khoa học kỹ thuật cùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên hiện nay hạ tầng giao thông của thị xã gồm nhiều tuyến đường đang bị xuống cấp sau thời gian khai thác. 

Chuẩn bị khởi công các tuyến đường giao thông huyết mạch hơn 1100 tỷ đồng ở Bình Thuận- Ảnh 5.

Một góc thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Lân – BTO

Trước sự phát triển kinh tế – xã hội ngày một tăng, nhu cầu giao thông, đi lại người dân và sự tăng trưởng các phương tiện giao thông càng lớn làm cho mật độ sử dụng diện tích mặt đường càng giảm tăng nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông, để tăng tốc độ di chuyển, giảm chi phí xã hội thì việc đầu tư mở mới các tuyến đường giao thông là điều tất yếu.

Song song đó là đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự cho du khách khi đến thăm thị xã La Gi và tỉnh Bình Thuận. Nâng cao chất lượng đô thị nhằm hoàn thiện chuẩn đô thị loại III vào năm 2025 và hướng tới chất lượng hạ tầng theo tiêu chuẩn đô thị loại II vào những năm tiếp theo.

Nguồn: https://danviet.vn/chuan-bi-khoi-cong-cac-tuyen-duong-giao-thong-huyet-mach-hon-1100-ty-dong-o-binh-thuan-20250315103330159.htm