Quảng Nam đề xuất đầu tư khu đô thị mới rộng 15.000ha
Tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương thống nhất chủ trương cho đầu tư một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với tổng diện tích đô thị khoảng 15.000ha, thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, là đô thị trọng điểm của khu vực.
Tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đà Nẵng chiều 29/3, lãnh đạo TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đề xuất cho phép xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trong giai đoạn mới có phạm vi diện tích mở rộng đến bờ Nam sông Thu Bồn (bao gồm hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay Chu Lai kết hợp với Cảng biển Chu lai), được tiên phong, thử nghiệm các cơ chế đột phá, vượt trội để đảm bảo thu hút được các nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài có thương hiệu mạnh để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái biển; các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Được áp dụng chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án theo cơ chế tương tự Nghị quyết 136/2024/QH15 đang được áp dụng cho TP. Đà Nẵng.
Về phát triển không gian đô thị sau khi sáp nhập, ông Triết đề nghị Trung ương thống nhất chủ trương cho đầu tư một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với tổng diện tích đô thị khoảng 15.000ha, thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, là đô thị trọng điểm của khu vực.
“Thống nhất nhất chủ trương cho đầu tư tuyến đường sắt đô thị từ thành phố Đà Nẵng vào Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Chu Lai để tạo điều kiện kết nối phát triển khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Nam”, Bí thư Quảng Nam đề xuất.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, việc triển khai Nghị quyết 18 được Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời, phù hợp. Thành phố đã báo cáo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính phường, xã, không tổ chức cấp huyện.
Dự kiến Đà Nẵng có 12 phường, xã và một đặc khu (Hoàng Sa), giảm 75% đầu mối. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng và chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, qua đó, tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.
Về kiến nghị, ông Quảng đề nghị Bộ Chính trị cho phép TP. Đà Nẵng (sau khi thực hiện hợp nhất, hình thành đơn vị hành chính mới) được tiếp tục kế thừa toàn bộ các định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024, Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Các quy hoạch đã được phê duyệt của 2 địa phương tiếp tục được thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới.

Ông Quảng cũng đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và cần có tư duy, quan điểm vượt qua các quy định hiện nay để thể chế hóa tại Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam với các cơ chế đặc thù, đột phá.
Trong đó, cho phép thành viên trong Trung tâm tài chính được đầu tư, chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài khi thành viên trung tâm tài chính tuân thủ quy định về chế độ báo cáo; cho phép các cơ quan quản lý và giám sát Trung tâm tài chính được áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt; cho phép thí điểm giao dịch trong Trung tâm tài chính các tài sản mã hóa, đồng tiền mã hóa phổ biến trên thị trường, vốn hóa lớn, tính thanh khoản cao; thí điểm giao dịch, thanh toán một số dịch vụ du lịch, thương mại bằng tiền mã hóa…
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ xây dựng Đà Nẵng – Quảng Nam mới phải trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một Đà Nẵng – Quảng Nam mới, cần định vị mình không chỉ là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại; cần đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động và phát huy những tiềm năng, lợi thế; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Khu thương mại tự do, đô thị biển hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản chất lượng cao…
Không gian phát triển mới, cần xác định rõ vai trò và lợi thế chiến lược riêng – như cực phát triển công nghiệp, logistics (Chu Lai), trung tâm du lịch văn hóa-sinh thái (Hội An-Mỹ Sơn), khu vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Quy hoạch tổng thể phải đảm bảo phát triển cân bằng, không để xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, sáp nhập không chỉ là thay đổi hành chính – đó là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.
Cần phát huy thế mạnh đôi bên, cùng quy hoạch tầm nhìn dài hạn, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và khát vọng phát triển – để vùng đất Quảng – Đà thực sự vươn ra biển lớn với vị thế xứng tầm quốc gia và quốc tế.
Nguồn: https://nhadautu.vn/quang-nam-de-xuat-dau-tu-khu-do-thi-moi-rong-15000ha-d94881.html