Dự án “tê liệt” do vướng mặt bằng
Dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 46 đoạn qua huyện Nam Đàn (Nghệ An) có tổng chiều dài hơn 10,6 km, với điểm đầu tại Km21+642,44 (xã Nam Giang) và điểm cuối tại Km32+334,53 (thị trấn Nam Đàn).
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 21,5m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư lên tới 500 tỷ đồng, đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, kỳ vọng tạo đột phá về kết nối hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực phía Tây Nghệ An.
Tuy nhiên, dù đã khởi công, nhưng đến nay vẫn “tê liệt” do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025, do Chính phủ phân bổ từ ngân sách Trung ương. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị chiếm hơn 258 tỷ đồng; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 166 tỷ đồng; phần còn lại dành cho quản lý dự án, tư vấn và chi phí dự phòng.
Ban Quản lý Dự án 85 (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, nay chuyển sang Bộ Xây dựng) là chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Hòa Hiệp – có trụ sở tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.
Theo kế hoạch, dự án triển khai từ năm 2023 đến năm 2025 với lộ trình phân bổ vốn cụ thể: năm 2023 là 2,5 tỷ đồng, năm 2024 hơn 233 tỷ đồng và năm 2025 hơn 264 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường không chỉ đảm bảo lưu thông an toàn, thông suốt trên trục vận tải từ cửa khẩu Thanh Thủy (giáp Lào) tới các tỉnh ven biển miền Trung, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và du lịch tại huyện Nam Đàn cùng khu vực lân cận.
Tuy nhiên, đến ngày 15/3/2025, dự án mới chính thức được khởi công. Sau hơn một tháng, nhà thầu chỉ mới triển khai thi công tại các điểm đã có mặt bằng sạch. Nhiều vị trí khác vẫn “đóng băng” do vướng mặt bằng, đặc biệt là đất ở và đất vườn của người dân chưa được bàn giao.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Đình Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp cho biết:
“Dự án do đơn vị chúng tôi thi công, nhưng hiện đang thi công cầm chừng vì chưa có mặt bằng. Đặc biệt, vướng nhiều ở phần đất vườn của người dân. Theo quy định mới, đất vườn được đền bù theo giá đất nông nghiệp nên người dân không đồng ý. Hiện chính quyền và chủ đầu tư đang tiếp tục thương thảo. Khi nào mặt bằng được bàn giao đầy đủ, chúng tôi sẽ triển khai đồng loạt.”

Được biết, dự án đi qua 5 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Nam Đàn, ảnh hưởng đến tổng cộng 654 hộ dân. Trong đó, có 520 hộ bị ảnh hưởng đất ở, 134 thửa đất nông nghiệp, cùng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và đất thuộc 20 tổ chức khác.
Tính đến ngày 31/3/2025, địa phương mới hoàn tất chi trả đền bù cho 119 hộ dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng, với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng – tương ứng khoảng 4km, chiếm gần 40% chiều dài toàn tuyến.
Cần xem xét “thấu tình đạt lý” nguyện vọng của người dân
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hồ Sỹ Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, công tác giải phóng mặt bằng đang chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thay đổi pháp lý từ khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, ảnh hưởng đến phương án tính toán giá bồi thường.
Đặc biệt, Quyết định số 33/2024/QĐ-UBND điều chỉnh giá đất mới đã khiến người dân bức xúc. Theo quy định hiện hành, đất vườn được tính như đất nông nghiệp, thay vì bằng 50% giá đất ở như trước đây, dẫn đến mức bồi thường giảm mạnh.
“Người dân cho rằng đất mặt đường Quốc lộ 46 có giá thị trường từ 18–20 triệu đồng/m². Nếu tính theo quy định cũ, họ được bồi thường khoảng 8–10 triệu đồng/m². Trong khi đó, theo khung giá mới, mức đền bù chỉ khoảng 150.000 đồng/m² là hoàn toàn không hợp lý, nên họ không chấp nhận,” ông Hải chia sẻ.

“Đến nay, đối với đất nông nghiệp, huyện đã cơ bản hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công triển khai dự án. Tuy nhiên, phần đất ở vẫn còn nhiều vướng mắc do theo quy định hiện hành, đất vườn được tính như đất nông nghiệp, khiến người dân không đồng tình,” ông Hồ Sỹ Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết.
“Chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh để có hướng xử lý cụ thể. Việc áp giá đền bù đất vườn như đất nông nghiệp là quá thiệt thòi cho người dân,” ông Hải nhấn mạnh.
Hiện tại, chính quyền địa phương đang tổ chức đối thoại, tuyên truyền và vận động người dân tại các xã Kim Liên, Xuân Hòa… nhằm sớm hoàn thiện phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Nguồn: https://danviet.vn/du-an-500-ty-ql46-te-liet-vi-nut-that-den-bu-dat-o-va-vuon-theo-gia-moi-tai-nghe-an-d1324989.html