Quảng Ngãi: Thông tin về thực hiện dự án nhà máy bột giấy vốn gần 10.000 tỷ đồng

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi gặp mặt, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất Trần Văn Mẫn thông tin: Dự án Nhà máy bột-giấy VNT19 được xây dựng tại thôn Phú Long 1, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn với diện tích 117 ha, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Hiện dự án đã thực hiện đạt khối lượng 93%, dự kiến dự án được đưa vào  hoạt động trong quý IV năm 2026 với công suất tiêu thụ 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm bằng 55-60% lượng dăm gỗ đang xuất khẩu qua cảng Dung Quất; giải quyết việc làm cho 1.000 lao động, đóng góp ngân sách 1.000 tỷ đồng/năm.

Về môi trường, Dự án Nhà máy bột-giấy VNT19 (giai đoạn 1, công suất 350.000 tấn/năm) đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2270/QĐ-BTNMT ngày 7/9/2015. Hướng tuyến xử lý nước thải ra biển được Ủy ban nhân dân tỉnh  thống nhất tại Công văn 752/UBND-CNXD ngày 19/2/2016; đoạn tuyến thoát nước thải sau xử lý được giao khu vực biển được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giao khu vực biển để xây dựng tại Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 22/11/2023. Hiện nhà thầu chưa xây dựng tuyến ống xả thải đã qua xử lý ra thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (vùng biển vịnh Việt Thanh) vì người dân chưa đồng thuận.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo Công ty CP bột-giấy VNT19 đã cung cấp thêm thông tin liên quan đến quá trình đánh giá tác động môi trường của dự án. Đây là dự án bắt buộc có cấp phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) với quy trình giám sát được thực hiện khắt khe; khu vực xử lý nước thải được lắp đặt hệ thống phòng ngừa sự cố; nước thải sau xử lý đi qua hồ sinh học được quan trắc online truyền dữ liệu công khai, hình ảnh truyền về Sở Nông nghiệp và Môi trường và Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan.

Chú thích ảnh
Người dân thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị tham dự buổi gặp mặt thông tin Dự án Nhà máy bột-giấy VNT19. 

Liên quan đến vấn đề quy hoạch khu vực xử lý nước thải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đức Trung cho biết, pháp luật không quy định, quy hoạch nơi xả thải ra môi trường cụ thể ở sông, vịnh, biển mà chỉ yêu cầu đánh giá tác động môi trường trước khi dự án được đầu tư đi vào hoạt động, xả thải.

Đối với Nhà máy bột-giấy VNT19, hiện nay dự án chưa đi vào hoạt động nên chưa thể lấy mẫu kiểm nghiệm môi trường, qua theo dõi hồ sơ quy trình sản xuất công nghệ xử lý nước thải của nhà máy đều thể hiện đảm bảo an toàn với môi trường. Trong quá trình hoạt động nếu có phát sinh sẽ có cơ quan giám sát, công khai qua hệ thống kết nối đến cơ quan chức năng.

“Nếu nhà máy không đảm bảo các quy trình xử lý gây ô nhiễm, đại diện đơn vị phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, nếu máy móc kỹ thuật quy trình xử lý tại nhà máy đã đầy đủ, đảm bảo mà vẫn xảy ra ô nhiễm cơ quan nhà nước cấp phép phải chịu trách nhiệm”. Ông Trung nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bột – giấy VNT19 Nguyễn Đức Hữu cam kết đảm bảo môi trường trong quá trình nhà máy đi vào hoạt động. 

Phó tổng giám đốc Công ty CP bột-giấy VNT19 Nguyễn Đức Hữu cho biết, công ty sử dụng thiết bị, công nghệ châu Âu trong vận hành xử lý nước thải tại Nhà máy bột-giấy VNT19. Nước thải được gom về tách lọc lắng lọng, dùng vi sinh vật xử lý chất ô nhiễm trong nước thải; sử dụng hóa chất xử lý tạp chất còn lại trước khi đưa vào kiểm soát ở hồ sinh học rồi mới xả bằng đường ống ra vịnh Việt Thanh ở thôn Lệ Thủy.

Việc xử lý nước thải tại nhà máy áp dụng công nghệ ở nhiều công đoạn, nhiều bậc hơn, bổ sung các biện áp kiểm soát nước thải an toàn hơn. VNT19 cam kết tuân thủ quy định về môi trường, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố, đảm bảo an toàn môi trường không để xảy ra sự cố môi trường ngoài nhà máy; dừng ngay hoạt động xã thải nếu xảy ra sự cố, bồi thường thiệt hại và khôi phục hiện trạng nếu ảnh hưởng đến môi trường.

Nhiều hộ dân thôn Lệ Thủy cho biết người dân làng biển chỉ sống về nghề biển, nhờ vào con tôm, cá. Nếu vùng biển bị ô nhiễm người dân sẽ bị đói; đồng thời, không đồng ý để Nhà máy giấy VNT19 dẫn đường ống ra vịnh Việt Thanh để nhân dân có cuộc sống ấm no và môi trường an lành.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhấn mạnh: Việc người dân lo lắng trước về môi trường, sức khỏe, ảnh hưởng đến thu nhập trường hợp nhà máy VNT19 xảy ra sự cố môi trường là chính đáng. Nhà nước, chính quyền địa phương có trách nhiệm chăm lo cho quê hương, cho nhân dân, đồng thời mong nhân dân luôn tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước.

Chú thích ảnh
Người dân thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt.

Dự Nhà máy bột-giấy VNT19 được Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ) giám sát đặc biệt, khắt khe, nghiêm ngặt. Để hoàn thiện dự án, chủ đầu tư cũng đã làm rõ, chứng minh nhà máy đảm bảo quy định của pháp luật về môi trường. Người dân cần thực hiện theo các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, không nhìn nhận vấn đề theo hướng cực đoan, phải căn cứ theo khoa học, pháp luật; người dân cùng thực hiện quyền giám sát hoạt động xử lý nhà máy bột-giấy khi dự án đi vào hoạt động – ông Hiến khuyến nghị.

Phó chủ tịch tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm đảm môi trường, hạn chế tối đa nước thải ra biển, sớm nghiên cứu tái sử dụng nước thải. Nếu xảy ra sự cố môi trường phải làm rõ trách nhiệm, đóng cửa, dừng hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm với sự cố về môi trường nếu xảy ra không né tránh. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, có trách nhiệm tiếp tục yêu cầu nhà đầu tư thực hiện tốt hơn đối với các vấn đề liên quan đến dự án.

Nhà máy bột-giấy VNT19 được Quảng Ngãi kêu gọi thu hút đầu tư, khởi công từ năm 2015 đến nay đã tròn 10 năm.

Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/quang-ngai-thong-tin-ve-thuc-hien-du-an-nha-may-bot-giay-von-gan-10000-ty-dong-20250418152529925.htm