Trước khi sáp nhập vào Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận đầu tư xây dựng khu công nghệ cao và tuyến đường giao thông quan trọng

 

 

Thành lập Khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận là rất cần thiết

Cùng dự có ông Đỗ Hữu Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, các vị lãnh đạo là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch HĐND – UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các Sở, ban ngành cho ý kiến vị trí đầu tư xây dựng khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận. Ảnh: QT

Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, việc thành lập Khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận là rất cần thiết, góp phần thực hiện tốt quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia, hình thành động lực mới, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Thuận.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cơ bản thống nhất với đề xuất vị trí Khu Công nghệ cao tỉnh Bình Thuận và các nhiệm vụ trong thời gian tới theo đề xuất của Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh Đề án phù hợp với các quy hoạch, dự án có liên quan, đảm bảo đồng bộ, khả thi, hiệu quả… Trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cho ý kiến trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đỗ Hữu Huy phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: QT

Tại cuộc họp này, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất vị trí khu công nghệ cao gần trục đường nối cao tốc vào thành phố Phan Thiết, với tổng diện tích khoảng 1.000 ha (thuộc hai xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc và Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam).

Về giao thông: Vị trí đất cách Ga Phan Thiết 6,8 km, cách vòng xoay Nguyễn Tất Thành 9,6 km.

Khu đất nằm gần đầu mối giao thông quan trọng của khu vực như: Tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao (Ga đường sắt dự kiến bố trí tại khu vực này), đường tránh QL 1A, nằm dọc hai bên đường tuyến đường quy hoạch kết nối đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết đến thành phố Phan Thiết.

Theo Đảng ủy UBND tỉnh Bình Thuận, vị trí này kết nối giao thông thuận lợi trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng như việc di chuyển của các chuyên gia.

Sáp nhập Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận dự diến đặt tên đường Tân Trào, đường Bình Thuận

Trong khu vực lân cận dự kiến đầu tư có hệ thống kênh thủy lợi, hồ chứa nước nên chủ động nguồn nước cấp phục vụ hoạt động của khu công nghệ cao.

Đặc biệt, các vị trí nêu trên không chồng lấn các khu vực được cấp phép hoạt động khoáng sản và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (titan). Bên cạnh đó, vị trí này nằm cạnh Khu đô thị TOD (dự kiến) nên thuận lợi cho việc thu hút các chuyên gia và các ngành, lĩnh vực khác.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục thu thập dữ liệu, xây dựng luận chứng cho việc thành lập Khu Công nghệ cao tỉnh Bình Thuận.

Bên cạnh đó là xác định mô hình, phương hướng phát triển và dự báo tác động, hiệu quả của đề án, hoàn thiện Đề án thành lập Khu Công nghệ cao tỉnh Bình Thuận với các nội dung công việc và sản phẩm của Hợp đồng dịch vụ tư vấn đã được ký kết.

Bản đồ vị trí Khu công nghệ cao

Tuyến đường kết nối thành phố Phan Thiết với Ga đường sắt tốc độ cao và nút giao liên thông đường bộ cao tốc Bắc – Nam

Di này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cũng họp cho ý kiến đối với tuyến đường kết nối thành phố Phan Thiết với Ga đường sắt tốc độ cao và nút giao liên thông đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Theo Đảng ủy UBND tỉnh Bình Thuận, hiện nay, các phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam tại khu vực phía Nam (hướng TP. Hồ Chí Minh) vào trung tâm thành phố Phan Thiết phải thông qua đường Quốc lộ 1 – Mỹ Thạnh, sau đó tiếp tục lưu thông theo Quốc lộ 1 (khoảng 13 km).

Từ khi tuyến cao tốc đưa vào khai thác, khu vực nút giao Ba Bàu và nút giao vào Quốc lộ 1 thường xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông, nhất là các ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết. Đối với hướng lưu thông từ khu vực phía Bắc (hướng Ninh Thuận) vào trung tâm thành phố Phan Thiết phải thông qua đường Quốc lộ 28 với quy mô nhỏ hẹp (2 làn xe cơ giới), thời gian di chuyển hơn 30 phút. Điều này phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận Tiêu Hồng Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: QT

Tuyến đường kết nối từ đường bộ cao tốc vào đường Lê Duẩn (tại nút giao với đường Trường Chinh) và cùng với đường Lê Duẩn, đường Nguyễn Tất Thành sẽ hình thành tuyến đường kết nối liên thông từ trung tâm thành phố Phan Thiết với các đầu mối giao thông đối ngoại quan trọng.

Cụ thể là đường bộ – cao tốc, Ga đường sắt tốc độ cao, đường tránh Quốc lộ 1 qua thành phố Phan Thiết (đường vành đai 2), đường Trường Chinh, bến xe tỉnh trong tương lai và đấu nối vào đường ven biển qua thành phố Phan Thiết.

Sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố Phan Thiết lên các đầu mối giao thông quan trọng, mở ra không gian phát triển mới thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Về phương án tuyến đường kết nối với đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, phạm vi nghiên cứu có điểm đầu (Km0+000) tại ngã tư giao đường Lê Duẩn với đường Trường Chinh (QL.1A) thuộc phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết; điểm cuối (Km11+200) giao với đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết tại Km225+160 thuộc xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc.

Chiều dài nghiên cứu khoảng 12 km; trong đó đoạn tuyến đi qua thành phố Phan Thiết (dài khoảng 1km) và khu vực xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc (dài 11 km).

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch có liên quan, Đảng ủy UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất phương án đầu tư theo hướng tách thành 4 dự án độc lập, triển khai thực hiện đồng thời, đảm bảo hiệu quả đầu tư, gồm:  (1) Dự án đầu tư đường từ ngã tư Lê Duẩn – Trường Chinh đến nút giao cao tốc và quỹ đất 2 bên đường. (2) Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư. (3) Dự án đầu tư khu đô thị TOD (TOD: Mô hình phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển giao thông). (4) Dự án đầu tư xây dựng bến xe tỉnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với chủ trương triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường kết nối thành phố Phan Thiết với Ga đường sắt tốc độ cao và nút giao liên thông đường bộ cao tốc Bắc – Nam theo đề xuất của Đảng ủy UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại cuộc họp. Ảnh QT

Ông Nguyễn Hoài Anh đề nghị Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, hoàn chỉnh phương án đầu tư đối với dự án do UBND tỉnh trình, phát huy hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường mới. Quá trình đó, đối với tuyến đường mở mới cần lưu ý phát triển không gian đô thị đảm bảo theo hướng văn minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp; đồng thời phát huy hiệu quả quỹ đất hai bên đường; quan tâm xác định lại các dự án thành phần có liên quan; cùng với đó, nghiên cứu cụ thể bố trí khu tái định cư đảm bảo khả thi và triển khai thực hiện nhanh nhất.

 


Nguồn: https://danviet.vn/truoc-khi-sap-nhap-vao-lam-dong-tinh-binh-thuan-dau-tu-xay-dung-khu-cong-nghe-cao-va-tuyen-duong-giao-thong-quan-trong-d1332644.html