(VNF) – Dự kiến tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định sẽ sáp nhập về “một nhà”, lấy tên là tỉnh Ninh Bình. Cả 3 địa phương này đều có thế mạnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố. Trong đó, dự kiến tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định về “chung một nhà”, lấy tên là tỉnh Ninh Bình. Trung tâm chính trị – hành chính sẽ đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay. Diện tích tự nhiên của Ninh Bình sau sáp nhập sẽ là 3.942,6 km2 và quy mô dân số 3.818.700 người.

3 tỉnh này đều thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, với thế mạnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, mỗi tỉnh đều có thế mạnh riêng trong phát triển kinh tế.
Cụ thể, với tỉnh Ninh Bình, là một điểm đến hấp dẫn với Di sản văn hóa thế giới danh thắng Tràng An. Quy mô kinh tế ước đạt 98,9 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 96 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, đến hết năm 2024 tỷ trọng ngành dịch vụ là 48,2%; công nghiệp-xây dựng là 41,7%; nông, lâm, thủy sản là 10,1%.
Tổng sản phẩm xã hội (GRDP theo giá so sánh năm 2010) năm 2024 tăng 8,52%, vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch đề ra là 7,6%).
Trong đó, khu vực nông – lâm – thủy sản tăng 2,7%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 10,5%, riêng công nghiệp tăng 11%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay; khu vực dịch vụ tăng 9,5%; thuế nhập khẩu, sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,29%.
Năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình ước đạt 34.191,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 7.546,9 tỷ đồng; vốn ngoài Nhà nước đạt 24.778,9 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.865,4 tỷ đồng.
Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Ninh Bình năm 2024 ước thực hiện 3.379,8 triệu USD, tăng 6,3% so với năm trước và vượt 4,0% so với kế hoạch năm. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Giày dép các loại; xi măng và clanke; quần áo; linh kiện điện tử…
Với Nam Định, đây là một tỉnh phát triển năng động. Kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 tăng trưởng 10,01% so với năm 2023, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 theo giá so sánh 2010 ước đạt 61.222 tỷ đồng, tăng 10,01% so với năm 2023. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,83%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,27%; khu vực dịch vụ tăng 8,56%.
Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 113.329 tỷ đồng, tăng 14,78% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người giá hiện hành đạt 59,83 triệu đồng/người, tăng 14,35% so với năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2024 ước đạt 62.420 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 13.736 tỷ đồng, vốn ngoài Nhà nước đạt 42.189 tỷ đồng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6.495 tỷ đồng.
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Nam Định ước đạt 4.775 triệu USD, tăng 21,4% so với năm 2023. Trong đó xuất khẩu tăng 18,9%, nhập khẩu tăng 25,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1.225 triệu USD.
Cùng với Ninh Bình, Nam Định, bức tranh kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Nam cũng đã đạt được những thành tích ấn tượng.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh Hà Nam năm 2024 ước đạt 56.116,6 tỷ đồng, tăng 10,93% so với năm 2023, cao thứ 2 trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng, thứ 4 toàn quốc. Đây là năm thứ ba liên tiếp địa phương duy trì mức tăng trưởng trên 10% và là mức cao nhất trong 5 năm qua.
GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 109,8 triệu đồng, tăng 12,5% so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế năm 2024 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và dịch vụ.
Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Hà Nam cao nhất trong ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định với 109,8 triệu đồng/người/năm.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt 45.678,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách Nhà nước đạt 8.605,5 tỷ đồng, vốn ngoài Nhà nước đạt 25.421,1 tỷ đồng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 11.652,3 tỷ đồng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nam năm 2024 ước đạt 9.580 triệu USD, đạt 110% kế hoạch năm, tăng 27,1% so với năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8.150 triệu USD, đạt 107% kế hoạch năm, tăng 29,8% so với năm 2023.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/tiem-luc-kinh-te-ninh-binh-nam-dinh-ha-nam-truoc-ngay-ve-mot-nha-d125302.html