Ảo và thật của mảnh đất mặt tiền giá 30 tỷ đồng

Chỉ khi nào tiền về túi mới chắc chắn giá trị mảnh đất là bao nhiêu.

“Gia đình tôi mua một mảnh đất mặt tiền 22,5 tỷ, thêm chi phí sửa thành 23 tỷ năm 2019, vẫn giữ mốc 30 tỷ từ 2022 đến giờ. Thậm chí có tiền vẫn không mua được.

Gia đình tôi có nhu cầu mua đất, thấy giá không giảm nhiều, nhất là khu vực đang nhắm đến là quận 10, quận 1, quận 3 giá nhà gần như giữ nguyên, thậm chí tăng nhẹ. Mấy miếng đất nền nếu giảm giá thì cũng chỉ giảm từ 10% đến 15%, so ra cũng hơn mức trước dịch. Giá chỉ giảm mạnh ở các vùng ven và tăng giá ảo trong đợt sốt đất từ trước thôi”.

Độc giả Le Tri chia sẻ như trên sau thông tin Bất động sản phía Nam giảm giá sâu rục rịch giao dịch trở lại. Theo đó, mấy tháng gần đây, một số căn biệt thự, nhà phố phía Nam hạ giá 10-20 tỷ đồng hay đất nền giảm hơn 40% đã bắt đầu có giao dịch trở lại.

Dưới bình luận trên, độc giả Truong Huan cho rằng chỉ khi nào giao dịch thành công, tiền đã về túi mới khẳng định được mảnh đất có giá 30 tỷ:

“Khi nào anh công chứng xong hoặc nhà hàng xóm bên cạnh nhà anh vừa bán xong với giá 30 tỷ thì ngôi nhà nó mới có giá trị đó thật. Để ai đó bỏ 30 tỷ ra đầu tư cho một cái nhà phố hiện tại không phải là chuyện đơn giản nhất là khi có một sự thật là kinh tế khó khăn, càng ngày càng có nhiều mặt bằng bỏ trống, trong khi xu hướng thương mại điện tử dần dần thành kênh mua bán chính của ngay cả những người ở quê.

Dần dần trong tương lai gần, chỉ có các căn nhà ở các vị trí đường lớn, đắc địa mới có thể làm mặt bằng cho thuê được mà thôi. Các vị trí chỉ cho thuê được không quá 50 triệu một tháng nhưng định giá căn nhà 20 tỷ đồng thì trừ những người ăn chắc mặc bền, muốn làm tài sản cho con cháu ra, không nhà đầu tư kinh doanh nào muốn đổ hết vào nó cả.

Thậm chí, cơ cấu dân số và văn hóa sinh hoạt ở thành thị cũng thay đổi, người ta đẻ ít hơn, gia đình chuyển dịch từ nhiều thế hệ chung sống với nhau sang các gia đình hạt nhân một vợ, một chồng và từ một đến hai con… thì việc cố gắng làm lụng để mua một căn nhà lầu mấy tầng cũng sẽ không còn là mục đích nữa.

Mảng bất động sản (BĐS) ở Việt Nam, nhất là phân khúc nhà ở, shophouse, đất nền… sẽ còn rơi vào kịch bản thanh khoản kém, hoặc không thể bán được trong một thời gian rất lâu nữa. Năm 2024, 2025 lượng trái phiếu đáo hạn lớn sẽ còn làm thị trường thảm khốc hơn nhiều”.

Bạn đọc nickname haolee.luatsu18 đưa ra năm nhận định rằng sang năm 2024, giá BĐS vẫn còn tiếp tục giảm:

“Thứ nhất, sức mua thị trường kém. Thứ hai, doanh nghiệp bắt đầu ‘ngấm đòn’ vì gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế chậm lại, hàng sản xuất ra khó tiêu thụ, hợp đồng trao đổi hàng hóa ít, cạnh tranh nhiều. Thứ ba, kinh doanh bắt đầu co cụm vào bán online là chính, mô hình kinh doanh truyền thống chỉ còn một số mặt hàng. Thứ tư, người tiêu dùng đã có sự khôn ngoan lựa chọn những hàng hóa thật cần thiết, giá rẻ, đa dạng mẫu mã. Thứ năm, ngân hàng vẫn thắt chặt đầu ra, khắt khe chặt chẽ việc cho vay, và lãi cho vay kỳ hạn vẫn còn cao”.

Độc giả monacohoang khuyên cần suy nghĩ thấu đáo và tìm hiểu thị trường thật kỹ trước khi đưa ra quyết định mua nhà – đất trong thời điểm này hay chờ đợi thêm:

“Người quyết định mua bán BĐS là người chủ gia đình, là thuyền trưởng – cần có một trái tim ấm và cái đầu lạnh. Là một thuyền trưởng bạn cần có tư duy mạch lạc và đủ lạnh để xác định:

– BĐS cao cấp đang dư thừa quá nhiều (biệt thự, liền kề…) đang là hòn than hồng, mua thì dễ nhưng bán không hề đơn giản.

– Giá BĐS cao cấp sẽ đi xuống nhiều năm nữa là điều đã nhìn thấy, do nguồn cung nhiều mà nhu cầu thật thì quá ít, giá thì cao thuộc nhóm đầu thế giới, trong khi thu nhập người dân thì thấp. Giá tăng nóng do giới đầu tư thổi giá lên thái quá và nay họ đang tìm cách xả hàng vì áp lực sẽ tăng dần do việc phải trả nợ ngân hàng.

Hiện nay mới là bắt đầu của chu kỳ đi xuống”.