Biết ơn anh cả và chị dâu chia đều 1.000 m2 đất cho 7 em

Nếu anh cả và chị dâu không trợ giúp, có lẽ mỗi gia đình với bốn nhân khẩu đã ra đường ở từ lâu.

“Bố mẹ tôi có 8 đứa con, để lại miếng đất 1000 m2. Nhưng có 7 gia đình sống chung vách từ lúc bố mẹ còn sống. Anh cả ở riêng, khi bố mẹ còn sống đã ký bảo lãnh cho một trong 7 người vay tiền ngân hàng kinh doanh, nhưng làm ăn không thành công.

Khi bố mất, đến đáo hạn ngân hàng không cho vay tiếp vì tên người đứng sổ đã mất, người vay tiền không có khả năng trả ngân hàng để lấy sổ. 8 chị em mỗi người hùn lại ai có tiền ít phụ ít, không có không phụ, người anh làm nợ không phụ đồng nào vì mất khả năng chi trả. Còn bao nhiêu tiền, người anh cả ở riêng đứng ra bảo lãnh, góp tiền tiếp tục cho ngân hàng.

Bây giờ sổ đỏ đã được giải chấp sau 15 năm góp nợ. Anh cả làm thủ tục giao lại chia đều cho 7 gia đình. Không có anh và chị dâu có lẽ 7 gia đình, mỗi gia đình 4 nhân khẩu phải ra đường, tan nát hết vì số tiền nợ cũng không ít.

Có làm lớn chuyện tình cảm tan nát, nhà cửa cũng bị ngân hàng xiết. Người thân nên chia sẻ lúc khó khăn, giúp lúc hoạn nạn chứ đừng làm bế tắc rủi họ nghĩ quẫn hối hận không kịp. Không gì bằng anh em ruột thịt. Tôi rất biết ơn anh cả và chị dâu của tôi”.

Độc giả Lê Thái, có hoàn cảnh đông anh em cùng ở chung nhà của bố mẹ, khi một người cắm sổ vay ngân hàng làm ăn thất bại, cả nhà đã chung tay góp tiền trợ giúp. Đây là câu chuyện về tình anh em, bên cạnh những vụ lùm xùm về tranh chấp đất thừa kế, phải kiện nhau ra tòa.

Trả lời thắc mắc vì sau nhiều gia đình anh em tan nát vì tranh chấp thừa kế, độc giả longlt00502 nói:

“Khi ở trong hoàn cảnh đó mới thực sự hiểu được. Khi bạn có một tỉ, mảnh đất 5 tỉ, anh hàng xóm mua con ôtô, hoặc khi bong bóng bất động sản vỡ, bạn có khả năng mất mảnh đất đã đầu tư trước đó vì áp lực trả nợ ngân hàng.

Tự nhiên bạn lại thấy cần đòi quyền chia thừa kế thay vì kệ xác cái ôtô, hoặc bán quách mảnh đất đó đi để trả nợ. Vấn đề là ai cũng có cái lý của mình.

Thế nên, tốt nhất mọi thứ phải rạch ròi, tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát. Cứ nhập nhằng “coi như của con cả, chắc là không sao đâu…” chỉ có tan nát.

Độc giả binhnhuongavc.crane chia sẻ:

“Tôi có quan niệm không bao giờ hy vọng vào việc thừa kế đất đai từ cha mẹ.

Thứ nhất: Đất đai tổ tiên để lại thì nên sử dụng để ở hoặc ra riêng hết rồi thì làm nơi thờ tự.

Thứ hai: Vì tiền mà tranh giành mất tình cảm anh em thì không đáng (cái này tùy quan niệm và duy nghĩ hoàn cảnh mỗi gia đình).

Thứ ba: Dù là sử dụng vào mục đích gì thì cha mẹ phải là người đứng ra giải quyết rõ ràng khi còn sống, đẩy các con mình vào tình huống này là lỗi lớn của cha mẹ”.