Bình Định có dự án FDI dệt may tái chế tỷ đô

Bình Định có dự án FDI dệt may tái chế tỷ đô

Tập đoàn Syre (Thụy Điển) chọn tỉnh Bình Định để triển khai dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester với diện tích 28,77ha, tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.

Dự án FDI lớn nhất tại Bình Định

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Syre (Thụy Điển) để xây dựng Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester.

Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư là 24.970 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Dự án có diện tích 28,77ha (tại Khu công nghiệp Nhơn Hội – Khu A, thuộc xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn, Bình Định).

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, dự án sẽ sản xuất polyester tái chế, tái chế phế liệu dệt may thành hạt nhựa PET để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp dệt may. Dự án có quy mô 150.000 – 250.000 m3 tấn sản phẩm hạt nhựa PET/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester vào cuối tháng 4 vừa qua. Ảnh: H.L

Dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester có thời gian hoạt động là 50 năm (kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu). Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động là 54 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu.

Cụ thể, dự kiến, tháng 6/2025 – 12/2026, chủ đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục về đầu tư, quy hoạch xây dựng, đánh giá tác động môi trường và các loại giấy phép khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tiếp đó, dự kiến, từ tháng 1/2027 – 12/2028, doanh nghiệp phải triển khai xây dựng nhà máy và lắp đặt thiết bị. Từ tháng 1 – 12/2029, dự án phải vận hành thử và đi vào hoạt động chính thức.

Trước đó, cuối tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre đã kết bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án trên.

Ông Dennis Nobelius, Tổng Giám đốc Tập đoàn Syre cho hay, Tập đoàn định hướng sẽ hình thành và phát triển các dự án nhà máy với quy mô lớn trên thế giới; trong đó, Việt Nam là điểm đến đầu tư đầu tiên.

Giải thích lý do lựa chọn Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Syre cho biết, Việt Nam có nền kinh tế rất năng động; bên cạnh đó, dệt may là một trong những lĩnh vực rất phát triển.

Đối với dự án tại Bình Định, Tập đoàn Syre sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trong ngành tái chế dệt may. “Chúng tôi sẽ sử dụng các loại phế liệu dệt may, từ đó, tiến hành tái chế để sản xuất ra sợi polyester mới. Chúng tôi cũng mong muốn được đồng hành với tỉnh trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến bài toán xử lý các phế thải dệt may. Hiện, phế thải dệt may tại Việt Nam hầu hết được xử lý bằng phương pháp chôn lấp…”, ông Dennis Nobelius thông tin.

Một góc Khu công nghiệp Nhơn Hội – Khu A (TP. Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: T.X

Còn ông Johan Ndisi, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá, Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester Tập đoàn Syre là dự án đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam.

“Tôi tin dự án của Tập đoàn Syre sẽ là biểu tượng giúp phát triển, hoàn thiện định hướng chuyển đổi xanh trong ngành dệt may. Đồng thời, dự án của Syre sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về phát triển ngành kinh tế tuần hoàn về dệt may…”, ông Johan Ndisi kỳ vọng.

Bình Định hút dòng vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho CTCP Sản xuất giấy Anh Đức đầu tư Nhà máy sản xuất giấy Anh Đức.

Dự án nhằm sản xuất các sản phẩm từ giấy và bìa; sản xuất các sản phẩm giấy nhăn, bao bì từ giấy và bìa với quy mô 97.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 700 tỷ đồng; trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là 60 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động.

Nhà máy sản xuất giấy Anh Đức có diện tích 2ha (tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, Bình Định). Thời hạn hoạt động của dự án kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư lần đầu là ngày 2/4/2068.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, tính đến ngày 6/6, tỉnh này đã thu hút 54 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 17.360 tỷ đồng (đạt 54% chỉ tiêu UBND tỉnh giao; đồng thời, tăng mạnh số dự án và tổng số vốn đăng ký đầu tư so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó, có 47 dự án trong nước với tổng vốn gần 15.420 tỷ đồng, 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 1.940 tỷ đồng (tương đương 77,49 triệu USD). Phân theo lĩnh vực, có 33 dự án công nghiệp, 10 dự án xây dựng – hạ tầng, 7 dự án thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ – du lịch và 4 dự án nông – lâm – thủy sản.

Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm 2025 (tính đến ngày 30/6), toàn tỉnh Bình Định sẽ thu hút được 65 dự án đầu tư, đạt tỷ lệ 65% so với chỉ tiêu giao năm…

Nguồn: https://nhadautu.vn/binh-dinh-co-du-an-fdi-det-may-tai-che-ty-usd-d96822.html