Bình Định: Hộ dân sử dụng hơn 1.500 m2 đất nhưng không được bồi thường m2 nào

Người dân ở TX.Hoài Nhơn, Bình Định cho rằng, Bản đồ địa chính hệ tọa độ Quốc gia VN-2000 ghi gia đình mình đứng tên hơn 1.500 m2 đất…

Mới đây, UBND TX.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã yêu cầu Hội đồng GPMB dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu hành chính dịch vụ và dân cư Bạch Đằng (phường Bồng Sơn), kiểm tra, giải quyết đơn phản ánh của ông Trần Văn Sửu, báo cáo kết quả trước ngày 15/5.

Theo đó, UBND TX.Hoài Nhơn nhận được văn bản từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Định chuyển đơn của ông Trần Văn Sửu (phường Bồng Sơn), phản ánh việc gia đình ông sử dụng 4.600 m2 đất, có nguồn gốc theo tờ chúc thư ngày 20/2/1960 (không đưa diện tích này vào hợp tác xã), để trồng dừa và thu hoạch cho đến nay, hiện còn 67 cây dừa, hàng trăm năm tuổi.

Tuy nhiên, phần lớn diện tích thuộc khoảnh đất 4.600 m2 trên, UBND huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã) đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho 3 hộ dân khác gồm: T. T. N, B. T. X, L. T. M và 1 tổ chức.

Đầu năm 2021, Hội đồng GPMB (UBND TX.Hoài Nhơn) phối hợp với UBND phường Bồng Sơn đo đạc, kiểm đếm để giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án.

Khu đất đã cấp sổ đỏ cho nhiều hộ dân khác, nhưng hàng chục gốc dừa của hộ ông Trần Văn Sửu vẫn còn và gia đình đang thu hoạch. Ảnh: DT.

Ông Sửu cho rằng, theo bản đồ VN-2000, thửa đất 170 có ghi rõ người sử dụng là hộ Trần Văn Sửu, diện tích 1.545,2 m2.

Ngày 4/3/2025, Hội đồng GPMB (UBND TX.Hoài Nhơn) có thông báo số 297 niêm yết công khai phương án chi tiết về bồi thường hỗ trợ, thì gia đình ông Sửu được bồi thường hỗ trợ 41 cây dừa (hơn 65 triệu đồng) và 0 có m2 đất nào.

“Khoảnh đất gia đình tôi sử dụng có nguồn gốc diện tích 4.600 m2, sau đo đạc bị giảm xuống còn 1.545,2 m2 (theo Bản đồ VN-2000), rồi xuống còn 1.167,2 m2 (theo kiểm đếm lần thứ nhất và theo báo cáo ngày 20/3/2021 của Hội đồng GPMB TX.Hoài Nhơn) và hiện nay 0 m2 (theo thông báo ngày 4/3/2025). Trong khi nguồn gốc đất trước đây là của gia đình tôi, hiện còn dừa trên đất”, đại diện gia đình ông Sửu nói và cho rằng, quá trình đo đạc, kiểm đếm bồi thường “dư” diện tích đất cho nhiều trường hợp (so với sổ đỏ), dẫn đến kết quả cuối cùng là gia đình ông còn 0 m2 đất.

“Với những hộ dân sống trên khoảnh đất có lịch sử của gia đình tôi, mà đã được cấp sổ đỏ đúng, thì Hội đồng GPMB đền bù đúng theo diện tích sổ đỏ của hộ đó”, ông Sửu nêu và đề nghị, đất có nguồn gốc của gia đình, hiện vẫn còn dừa trồng và bản đồ VN-2000 đứng tên ông Sửu. Vì vậy, trừ diện tích đất giao cho các hộ dân theo sổ đỏ, thì phần đất sử dụng “dư” trên thực tế, phải bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông.

Tại biên bản ngày 1/4/2025, do Hội đồng GPMB (UBND TX.Hoài Nhơn) lập, hộ bà T.T.N cũng thống nhất chỉ nhận phần diện tích đất theo sổ đỏ được cấp. Đối với diện tích đất tăng thêm so với sổ đỏ, bà T.T.N thống nhất trả lại số tiền bồi thường phần diện tích tăng thêm cho ông Sửu.

…lãnh đạo GPMB nói “thông tin đo đạc bản đồ VN-2000, không chính xác”

Phản hồi vấn đề trên, ông Trần Minh Vương, Phó Chủ tịch Hội đồng GPMB (UBND TX.Hoài Nhơn) khẳng định, khu đất mà ông Sửu phản ánh, đến nay đã được UBND huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã) cấp sổ đỏ cho 5 hộ dân (tính cả trường hợp chuyển nhượng) và 1 tổ chức.

Ông Vương xác nhận, UBND phường Bồng Sơn kiểm tra nguồn gốc đất, theo hồ sơ quản lý bản đồ VN-2000 thì thửa đất số 170, tờ bản đồ số 60 diện tích 1.545,2 m2, loại đất (LNC), mục kê ghi tên chủ sử dụng hộ ông Trần Văn Sửu. Lý do trong quá trình đo đạc theo hệ tọa độ chuẩn quốc gia VN-2000, ông Sửu tự kê khai.

Hội đồng GPMB xác định, thực tế ông Trần Văn Sửu còn dừa trồng nhưng không còn đất. Ảnh: DT.

Còn thực tế, toàn bộ diện tích 1.545,2 m2 có nguồn gốc đất đã được Nhà nước cân đối giao quyền sử dụng đất theo nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ cho hộ bà T. T. N, hộ bà L. T. M và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho UBND thị trấn Bồng Sơn (trong đó hộ bà T. T. N khoảng 1.090,7 m2, hộ bà L. T. M khoảng 380 m2, UBND thị trấn Bồng Sơn khoảng 74,5 m2).

Từ khi được cấp sổ đỏ tại các thửa đất 492, 493, 494, tờ bản đồ số 26 (bản đồ 1997), nay ứng với các thửa đất số 153, 170, 171, 184, tờ bản đồ số 60 (bản đồ VN-2000) cho đến nay, các hộ dân và tổ chức trên, sử dụng liên tục, ổn định.

Theo ông Vương, về nguồn gốc đất, địa phương công nhận lịch sử trước đây là của ông Trần Văn Sửu (thời điểm này chưa cấp sổ đỏ). Sau đó, tất cả đất đai đều thuộc Hợp tác xã và phải cân đối giao quyền lại cho những người thực tế đang sử dụng theo nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, tiến hành cấp sổ đỏ. Vì vậy, ông Sửu không còn đất.

“Thời điểm đó, các trường hợp được cấp sổ đỏ đều đang sinh sống ở trên phần đất được cấp sổ. Lẽ ra, lúc cấp sổ đỏ cho những trường hợp này, tài sản trên đất (dừa của ông Sửu) phải giải quyết, nhưng thực tế không giải quyết cây cối trên đất và để tồn tại từ đó đến nay”, ông Vương lý giải.

Cũng theo ông Vương, khi kiểm đếm GPMB để thực hiện dự án, thì phát hiện thông tin đo đạc bản đồ VN-2000, không chính xác.

“Thực tế, ông Sửu chỉ còn dừa trồng, nhưng không còn đất. Sự việc này đã kéo dài quá lâu làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Tiền đền bù đất cho các hộ dân chỉ mới chi trả 50% vì hiện nay, hộ ông Sửu đã khởi kiện nên phải tạm dừng chi trả, chờ quyết định từ toà án”, ông Vương nói.

Ông Vương cũng thừa nhận, quá trình đo đạc để đền bù, phát hiện một số trường hợp diện tích đất sử dụng thực tế, tăng thêm so với sổ đỏ. Nhưng, phần diện tích tăng thêm vẫn chưa đền bù vì chờ kết quả xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, từ UBND phường Bồng Sơn.

“Cấp phường xác nhận nguồn gốc đất như thế nào, thì Hội đồng GPMB sẽ đền bù theo như vậy. Nếu tăng thêm vì sai số do đo đạc, thì đền bù cho người có sổ đỏ, không thể đền bù cho ông Sửu vì ông này không có đất, sau đó thoả thuận thế nào là việc giữa hai bên. Bồi thường, hỗ trợ thì Nhà nước phải thực hiện theo đúng quy định”, ông Vương khẳng định.


Nguồn: https://danviet.vn/binh-dinh-ho-dan-su-dung-hon-1500-m2-dat-nhung-khong-duoc-boi-thuong-m2-nao-d1329386.html