Có một câu nói rất hay về nơi được gọi là nhà: “Nhà không cần quá lớn chỉ cần trong đó có đủ tình yêu thương”. Đúng vậy, nhà là nơi bình yên nhất nuôi dạy mỗi đứa trẻ nên người. Nơi bình yên ấy không quyết định bởi việc nhà to hay nhà nhỏ, thiết bị nhiều hay ít, mà quyết định bởi những người trong gia đình có thường xuyên trò chuyện, có yêu thương, có tôn trọng lẫn nhau hay không. Để cho con trẻ được sống trong nơi bình yên như thế điều quan trọng chủ yếu xuất phát từ tình yêu thương giữa bố và mẹ. Tình yêu thương này sẽ đem đến cho con cảm giác an toàn nhất.
Thực tế đã chứng minh rằng, không khí gia đình có hạnh phúc, có đầm ấm hay không có một vai trò vô cùng quan trọng mang tính quyết định với sự trưởng thành của trẻ.
Xây dựng gia đình đầm ấm và hạnh phúc đó là mấu chốt quan trọng để tạo cho trẻ có nền tảng giáo dục tại gia đình tốt nhất, để trẻ được gần gũi trò chuyện với bố mẹ, cảm nhận được tình yêu thương trong bầu không khí hạnh phúc, hoà thuận. Cho trẻ một thế giới bình yên nghĩa là đã mở ra một cánh cửa lớn giúp con đi đến thành công.
Bởi vậy, Hãy trở thành những ông bố bà mẹ tuyệt vời bằng cách sống hết trách nhiệm của mình, để con được phát triển lành mạnh bằng cách được sống trong gia đình đầm ấm.
Dưới đây là một số bí quyết để bố mẹ cùng xây dựng cho con một bầu không khí gia đình đầm ấm và hạnh phúc.
1. Đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con
Bố mẹ vất vả vật lộn kiếm tiền suy cho cùng cũng chỉ vì con cái vậy thì có khó khăn gì đâu khi bố mẹ cho con một mái nhà yên ấm, không bao giờ cãi nhau trước mặt con.
Gia đình nào thì cũng có lúc này lúc kia, dù có hạnh phúc đến đâu thì vẫn có lúc xảy ra mâu thuẫn xung đột giữa hai bố mẹ. Với các con, việc chứng kiến cảnh bố mẹ xảy ra xung đột, cãi vã thực sự là một khủng hoảng lớn với cuộc đời trẻ. Trẻ rất sợ bố mẹ cãi nhau và đó chính là nguyên nhân quan trọng khiến trẻ có động cơ phạm tội.
Bố mẹ đã sinh con ra thì xin hãy có trách nhiệm cho con một gia đình êm ấm, đừng biến con trở thành người gánh chịu những thiệt thòi cho tình cảm cá nhân của bố mẹ. Vì vậy, nếu bố mẹ có những vấn đề gì phiền lòng bắt buộc phải giải quyết bằng tranh cãi thì cố gắng đừng tranh cãi trước mặt con trẻ.
2. Luôn làm tấm gương tốt cho con noi theo
Mỗi hành vi của bố mẹ đều ảnh hưởng đến trẻ, không chỉ ảnh hưởng bây giờ, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Bởi vậy, bố mẹ hãy chú ý đến hành vi của mình trước mặt các con. Con trẻ chưa phân biệt được đâu là đúng đâu là sai. Những hành vi tốt của bố mẹ để trẻ bắt chước học theo thì còn gì tốt bằng, nhưng ngược lại nếu những hành vi xấu của bố mẹ tác động đến suy nghĩ, hành động của con thì tương lai của con có muốn thay đổi cũng khó.
Trong gia đình nếu bố mẹ thường xuyên cãi nhau vì những chuyện tầm phào, lâu dần trẻ sẽ thấy cách sống ấy là bình thường. Sau này khi lập gia đình chúng rất khó để có một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Có câu nói rằng Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu của con cái. Vì vậy, bố mẹ hãy cố gắng kiềm chế cái tôi của bản thân, nhường nhịn nhau vì các con, vì gia đình.
3. Hãy để con luôn thấy bố mẹ yêu thương nhau hết mực
Trong cuốn sách “Những lời khuyên tâm huyết” (NXB Phương Đông), Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 dạy rằng: “Nếu nguồn an vui tràn ngập trong gia đình, và các giá trị nhân bản được tôn trọng, thì chẳng riêng gì cha mẹ mà cả con cháu đều được sống trong bầu không khí hạnh phúc và thư giãn, và cũng biết đâu cái không khí đó sẽ còn tiếp tục tồn tại cho đến những thế hệ về sau”.
Hãy để con thấy rằng bố mẹ luôn yêu thương nhau, có như thế con mới cảm nhận được con đang được sống trong một gia đình hạnh phúc và tràn ngập tình yêu thương. Bố mẹ luôn yêu thương nhau, ăn nói lễ độ với nhau, biết sống trong đạo đức và kính trọng lẫn nhau, biết giúp đỡ kẻ khác và quan tâm đến thế giới chung quanh, thì các con sau này sẽ có nhiều hy vọng biết cư xử giống như bố mẹ trong cuộc sống của chúng, và chúng sẽ hành động như những con người ý thức được trách nhiệm của mình.
4. Thống nhất cách dạy con giữa hai bố mẹ
Một trong những xung đột xảy ra giữa bố và mẹ là do sự bất hòa, mâu thuẫn trong cách dạy con cái, ai cũng nghĩ phương pháp của mình là đúng. Bởi mỗi người được lớn lên và giáo dục trong môi trường khác nhau nên quan điểm dạy con cũng khác biệt. Chính lý do không bàn bạc, thống nhất quan điểm đã dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Điều quan trọng mà các bậc cha mẹ cần lưu ý là cho dù không biết cách dạy của vợ hay chồng sai, hay bất mãn đến nhường nào, cũng không nên xung đột, cãi nhau trước mặt con cái. Dạy dỗ con cái là cả một quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày hai là giải quyết được. Do đó, để dạy con một cách khoa học và có hiệu quả cha mẹ nên thống nhất trong cách dạy. Vợ chồng nên tăng cường trao đổi, bàn bạc với nhau về cách dạy con, có thể tham khảo nguồn sách báo hay hỏi các chuyên gia tâm lý để thống nhất một phương pháp dạy đúng đắn nhất.
5. Để con luôn sống trong bầu không khí gia đình êm ấm, hạnh phúc
Gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Muốn dạy con tốt thì bố mẹ hãy chú ý chăm sóc gia đình. Bố mẹ hãy làm gương cho các con học tập, tự điều chỉnh hành vi của mình thì mới đáp ứng được vấn đề đạo đức, văn hóa và các mối QH đặt ra trong phạm vi gia đình. Người xưa nói “rau nào sâu đó”, lối sống của cha mẹ và những người trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em.
Trở thành một người có nhân cách tốt khi trưởng thành hoàn toàn không dễ. Người xưa có câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính” hay “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” quả thật rất đúng đối với trẻ. Giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ thể, mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn có có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ em sẽ không tôn trọng người lớn nếu nó như chúng thấy cha mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau.
Bố mẹ cần phải giữ cho không khí gia đình được vui vẻ, đừng mang những bực bội ở chỗ làm về nhà, và nhất là đừng trút giận vô cớ lên đầu những đứa con. Trở về nhà dành thời gian trò chuyện với con nhiều hơn, đừng ngại trao cho con những cái ôm hay lời yêu thương, động viên con, có như vậy mới xóa bỏ được khoảng cách giữa bố mẹ và con cái. Con sẽ coi bố mẹ là bạn bè, thoải mái, vô tư tâm sự chia sẻ với bố mẹ bao điều trong cuộc sống. Như vậy mới thực sự là một gia đình êm ấm, hạnh phúc và tràn ngập tình yêu thương.
—
Nguồn: ST