Cây cầu 500 tỷ và tuyến đường tạo lực 3.800 tỷ kết nối 2 tỉnh giàu nhất Việt Nam sắp được triển khai

2 tỉnh này sắp khánh thành tuyến đường tạo lực và cây cầu mới với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, mở ra không gian phát triển mới.

Ngày 13/9, Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bình Dương thông báo dự kiến sẽ tổ chức lễ khánh thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng và cầu Bạch Đằng 2 vào ngày 23/9.

Trước đó, vào ngày 2/9, cầu Bạch Đằng 2 (nối huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã được thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên, phần đường dẫn ở hai đầu cầu vẫn chưa hoàn thiện.

Cầu Bạch Đằng 2 có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Theo phân chia nguồn vốn, mỗi địa phương đóng góp 50% kinh phí cho phần cầu chính và mỗi địa phương tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn mình.

Dự án do BQLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492.

Cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai, được khởi công vào cuối năm 2021, nối Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Dự án cầu Bạch Đằng 2 cùng với hai đường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8 km, trong đó cầu dài khoảng 410 m, rộng 17 m, với 4 làn xe.

Dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng dài gần 50 km, thiết kế vận tốc 80 km/h với 6 làn xe và kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng. Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 3.800 tỷ đồng.

Điểm đầu của dự án tại ngã ba Tân Thành giao nhau với đường ĐT.746 thuộc huyện Bắc Tân Uyên, và điểm cuối tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng.

Hiện tuyến đường đã hoàn thành, kết nối giao thông với các trục chính như Quốc lộ 13, ĐH 613, ĐT 741, nâng cao hiệu quả khai thác, phục vụ nhu cầu và rút ngắn khoảng cách di chuyển cũng như vận chuyển hàng hóa trong khu vực.

Tuyến đường tạo lực được xem là công trình trọng điểm, có ý nghĩa động lực quan trọng đối với huyện Bàu Bàng, huyện Phú Giáo và huyện Bắc Tân Uyên, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của 3 huyện này nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.

Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cửa ngõ giao thương với TP. HCM.

Theo như báo cáo của Tổng cục Thống kê, dựa vào các chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 thì tỉnh Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với mức GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm.

Trong khi đó, Đồng Nai là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ và nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2023, Đồng Nai xếp thứ ba về mức GDP bình quân đầu người, chỉ sau Bình Dương và TP. HCM.