Xuất phát từ rào cản trong giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, nữ CEO quyết tâm khởi nghiệp ngay từ khi mới lên 10. Thành quả của cô gái tài giỏi này được coi như một hiện tượng ở Trung Quốc.
Cô gái này tên là Diệp Nhưng Hi (hay Hillary Yip, SN 2004), nhà sáng lập kiêm CEO của một công ty tên là Minor Mynas. Nhưng Hi được coi là một trong những CEO trẻ nhất ở Trung Quốc và trên thế giới khi nắm giữ vị trí quan trọng này ở tuổi 12.
Quyết tâm khởi nghiệp từ chính khó khăn của bản thân
Sinh ra ở Hong Kong (Trung Quốc), ngay từ khi còn nhỏ, Diệp Nhưng Hi được nhận xét là thông minh khi cô bé có thể thành thạo tiếng Quảng Đông, tiếng Anh và giao tiếp cơ bản bằng tiếng Pháp. Dù có thành tích học tập xuất sắc ở trường nhưng cô bé lại bị bạn học cười nhạo, thậm chí là cô lập vì gặp khó khăn khi học và giao tiếp bằng tiếng Quan Thoại.
Tình trạng này xảy ra khiến cô bé Nhưng Hi dần trở nên ít nói. Sau đó, mẹ của cô bé đã cố gắng tìm cách để giúp con gái cải thiện tiếng Quan Thoại, chẳng hạn như hỏi ý kiến chuyên gia, tham vấn bác sĩ tâm lý… Sau cùng, bố mẹ quyết định đăng ký cho cô bé tham gia một trại hè. Đây là nơi có những đứa trẻ bị phân biệt đối xử vì rào cản ngôn ngữ.
Chính nhờ môi trường thân thiện và giao tiếp cởi mở ở trại hè này đã giúp Diệp Nhưng Hi dần khôi phục sự tự tin. Kết quả, sau một tháng ở trại hè, khả năng giao tiếp bằng tiếng Quan Thoại của cô bé đã được cải thiện và khiến bạn bè ngạc nhiên.
“Khi mới đến, tiếng Trung của em rất tệ. Nhưng sau chương trình trại hè năm 2014, em mới thấy mình đã tiến bộ nhiều như thế nào và trải nghiệm đó thực sự đọng lại trong em”, Nhưng Hi chia sẻ.
Những trải nghiệm khó khăn từ quá trình vật lộn với việc học tiếng Quan Thoại, dù bản thân là người Trung Quốc, khiến cô bé Nhưng Hi nảy ra ý tưởng tạo ra một ứng dụng giúp những đứa trẻ học tiếng mẹ đẻ tốt hơn. Để có thể giúp Nhưng Hi lấy lại sự tự tin và cải thiện việc học tiếng Quan Thoại, bố mẹ của cô bé đã phải chi rất nhiều tiền cho trại hè. Do đó, Nhưng Hi chia sẻ với bố mẹ về ý tưởng tạo ra một ứng dụng không tốn nhiều tiền để cải thiện ngôn ngữ cho con.
Bố và mẹ của Nhưng Hi đều lớn lên trong môi trường giáo dục truyền thống khi liên tục phải đối mặt với các kỳ thi, nên họ không muốn điều đó lại xảy ra với con mình. Do đó, sau khi lắng nghe mong muốn của Nhưng Hi, gia đình đều hết lòng ủng hộ.
Nhưng Hi từng chia sẻ với giới truyền thông rằng, khi mới 10 tuổi, cô bé không hiểu khởi nghiệp là gì mà chỉ nghĩ thật tuyệt nếu có thể đưa ra ý tưởng của riêng mình và biến chúng thành hiện thực. Thật may, bố mẹ của Nhưng Hi rất ủng hộ con gái và đưa cô bé đến với lớp lập trình cơ bản. Rõ ràng để tạo ra được một ứng dụng học ngôn ngữ cho trẻ em, Nhưng Hi cần phải học và tiến hành nghiên cứu thực địa sâu rộng.
Bố mẹ của Nhưng Hi đã đầu tư cho con gái học lập trình với ý định giúp con mình có trải nghiệm tuyệt vời khi tham gia khởi nghiệp và tích lũy kinh nghiệm từ việc khám phá những điều chưa biết. Khởi nghiệp có thể mang lại cho con gái của họ một môi trường học tập đặc biệt. Cô bé Nhưng Hi cũng nghiêm túc đọc, nghiên cứu tài liệu và tiến hành nhiều cuộc khảo sát tại các trung tâm đào tạo ngôn ngữ.
Sau hơn 1 năm với nhiều nỗ lực, ứng dụng do Diệp Nhưng Hi tạo ra có tên là Minor Mynas. Đây là một ứng dụng trực tuyến giúp trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 – 16 tuổi học ngôn ngữ thông qua việc trò chuyện trực tuyến bằng video call với những người bạn cùng tuổi. Nhưng Hi cho biết, thông qua việc trò chuyện trực tiếp, trẻ em có thể học ngôn ngữ nhanh hơn và hiệu quả hơn, từ đó giúp xóa bỏ rào cản về ngoại ngữ.
Dù bố Nhưng Hi cũng làm việc trong lĩnh vực máy tính nhưng khá bất ngờ về mã code mà con gái viết. Ông không tìm thấy lỗ hổng kỹ thuật và kế hoạch kinh doanh của cô bé thì không giống với suy nghĩ của học sinh tiểu học.
Sau khi nghe gợi ý của đồng nghiệp, bố của Diệp Nhưng Hi đã đăng ký cho cô bé tham gia cuộc thi Doanh nhân trẻ toàn cầu AIA năm 2015. Đối tượng tham gia cuộc thi này đều là học sinh ở bậc trung học và sinh viên đại học. Dù chỉ mới 11 tuổi nhưng cô bé Nhưng Hi đã giành chiến thắng thuyết phục và từ đó ứng dụng Minor Mynas được đưa vào thực tế. Ứng dụng của Nhưng Hi cũng nhanh chóng nhận được sự quan tâm của những tỷ phú công nghệ.
Trở thành CEO khi mới 12 tuổi
Đến năm 2016, sau khi tốt nghiệp tiểu học, Nhưng Hi thành lập một công ty công nghệ để phát triển ứng dụng Minor Mynas. Nhưng Hi trở thành CEO của công ty khi mới 12 tuổi. Dù điều hành một công ty, tích cực phát triển phần mềm nhưng cô bé Nhưng Hi vẫn tiếp tục theo học tại một trường chuyên tại Hong Kong. Tuy nhiên, do việc học và công việc nhiều khiến thời gian nghỉ ngơi không có, nên Nhưng Hi quyết định xin bố mẹ cho nghỉ học ở trường để tự học ở nhà và tập trung vào kinh doanh.
Ứng dụng Minor Mynas của Nhưng Hi hiện có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, thu hút hàng triệu người dùng. Nữ CEO trẻ tuổi chia sẻ, doanh thu mỗi năm của Minor Mynas là khoảng 10 triệu NDT (hơn 34 tỷ đồng).
“Chúng em là một cộng đồng trẻ em trực tuyến. Chúng em có trẻ em từ khắp nơi trên thế giới sử dụng nền tảng này để trò chuyện với nhau về nhiều chủ đề được quan tâm. Nếu họ muốn học một ngôn ngữ mới, họ có thể tiếp xúc với người bản xứ trên thế giới. Do đó, họ có thể trò chuyện trong môi trường nhập vai hoàn toàn”, Nhưng Hi cho biết.
Không ngừng cải tiến, để đảm bảo an toàn, ứng dụng Minor Mynas của Nhưng Hi còn thêm tài khoản phụ huynh. Điều này không chỉ cho phép cha mẹ của các em học sinh xem nội dung trò chuyện mà còn hạn chế việc các tin nhắn riêng tư giữa bé gái và bé trai trên 12 tuổi. Nếu có sự cố xảy ra, người dùng có thể được nhắc nhở. Thậm chí, để lọc ra từng người dùng giả mạo, phụ huynh hay học sinh chỉ phải trả 2,99 USD mỗi tháng để sử dụng chức năng trò chuyện nhóm và nhắn tin riêng tư.
“Lợi thế của việc làm CEO là không có ông chủ”
Trong một cuộc phỏng vấn của BBC, khi được hỏi về lợi ích của việc làm CEO, Diệp Nhưng Hi hài hước trả lời: “Đó là không có ông chủ. Nhưng điều này cũng có nghĩa là bạn không có đường rút lui và phải gánh chịu mọi trách nhiệm cũng như vấn đề”.
Để mang những giá trị của Minor Mynas đến với nhiều trẻ em hơn, đồng thời để nhiều người hiểu và ủng hộ ứng dụng này, Diệp Nhưng Hi đã tích cực tham gia phát biểu tại các hội thảo và làm diễn giả ở nhiều nơi ngay từ khi công ty mới thành lập.
Nhưng Hi vừa nói, vừa cười: “Nếu tranh luận hay nói về Minor Mynas hoặc thuyết trình về nó thì mọi người sẽ không bao giờ thấy em lo lắng. Nhưng nếu mọi người muốn em hát thì em sẽ run chân và lo lắng đến buồn nôn”.
Nữ CEO trẻ tuổi tâm sự, khi bắt đầu hành trình startup, cô nhận ra học hỏi điều mới, kết nối các trẻ em là điều có thể giúp cô tạo ra một tác động xã hội đáng kể. “Vậy nên, em cứ làm thôi”, Nhưng Hi chia sẻ.
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp của mình, ngoài sự giúp đỡ của người cố vấn, CEO Diệp Nhưng Hi bộc bạch: “Em rất biết ơn bố mẹ. Dù em bỏ học hay khởi nghiệp kinh doanh riêng, bố mẹ luôn dành cho em sự ủng hộ và tin tưởng lớn nhất”.
Về điều này, mẹ của Nhưng Hi tâm sự, bà và bố của Nhưng Hi từng mong con gái học giỏi và vào được những trường đại học danh tiếng. Nỗi sợ hãi lớn nhất trong việc giáo dục con trẻ chính là mù quáng theo đuổi, buộc chúng phải trở thành bác sĩ, luật sư, kế toán… mà không quan tâm đến suy nghĩ thực sự bên trong của chúng. Trên thực tế, điều con trẻ cần là khám phá những cơ hội và không gian. “Làm cha mẹ thực ra cũng là một quá trình học tập và rèn luyện”, mẹ của Nhưng Hi mỉm cười chia sẻ.
Khi được hỏi về lưu ý cho các nữ doanh nhân công nghệ trẻ, CEO Diệp Nhưng Hi nói: “Với bất kỳ doanh nhân nữ nào, bạn hãy là chính bạn. Không cần thiết phải dao động vì những ảnh hưởng từ bên ngoài, bởi vì sẽ luôn có những người chê bai bạn, nói bạn không thể. Do đó, điều quan trọng nhất chính là vượt qua những chỉ trích. Nếu có những thứ hữu ích thì bạn hãy nhặt ra để xem xét, còn nếu không thì bỏ qua nó. Cứ tiến tới và làm những gì mà bạn cho là tốt nhất”.
Đối với cá nhân Nhưng Hi, trên thế giới này có rất nhiều lựa chọn, khi chúng ta đưa ra lựa chọn đúng đắn, chúng ta có thể thay đổi thế giới.
Vừa sang tuổi 20, trong khi bạn bè đồng trang lứa vẫn còn tận hưởng những ngày tháng trên giảng đường đại học, Diệp Nhưng Hi không chỉ thành công trong lĩnh vực kinh doanh, cô gái trẻ còn trở thành diễn giả nổi tiếng tại nhiều sự kiện truyền cảm hứng do HSBC, TEDx và Microsoft tổ chức. Đặc biệt, trong năm 2020, khi mới 16 tuổi, Nhưng Hi đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía truyền thông khi trở thành diễn giả chính trong Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu tại Dubai.
Trước sự thành công của CEO Diệp Nhưng Hi ở độ tuổi 20, truyền thông Trung Quốc thậm chí còn mô tả rằng: “Cô ấy dùng 10 năm để hoàn thành chặng đường mà người khác phải mất tới nửa cuộc đời để đạt được”.
Nhưng Hi chia sẻ, công ty của cô vẫn đang tiếp tục phát triển và nâng cấp ứng dụng Minor Mynas. Đặc biệt, phiên bản tiếp theo của ứng dụng này đang ở trong giai đoạn hoàn thành và sẽ hướng tới đối tượng chính là phụ huynh. Nguyên nhân là do sự trao đổi của những phụ huynh trên toàn cầu đang bị thiếu hụt.
Rõ ràng, thành quả gần 10 năm biến ý tưởng của một cô bé 10 tuổi thành hiện thực thật khiến nhiều người khâm phục. Ở độ tuổi đôi mươi, thành công của Nhưng Hi là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ trên thế giới.