Sáng 18/4, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) tỉnh Bắc Giang – Bắc Ninh tổ chức hội nghị để thảo luận phương án sắp xếp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hợp nhất 2 tỉnh và dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo dự thảo, phương án sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, sau sắp xếp, tỉnh Bắc Ninh mới có diện tích tự nhiên 4.718,6 km² với quy mô dân số hơn 3,6 triệu người và dự kiến có 99 ĐVHC cấp xã trực thuộc.
Tên gọi ĐVHC cấp tỉnh mới là tỉnh Bắc Ninh. Nơi đặt trung tâm chính trị – hành chính tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Phương án tổ chức bộ máy tỉnh Bắc Ninh mới sau sắp xếp

Trong Đề án, đưa ra phương án sắp xếp các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cụ thể, đối với Đảng bộ tỉnh, Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Trung ương.
Đoàn đại biểu Quốc hội: Hợp nhất 2 Đoàn đại biểu Quốc hội của 2 tỉnh. Kiện toàn Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ.

Đối với HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh: Đại biểu HĐND 2 tỉnh hợp nhất thành đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới) tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ. Việc kiện toàn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban, Phó trưởng ban của HĐND tỉnh theo Kết luận số 150-KL/TW và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các cơ quan chuyên môn giúp việc Tỉnh ủy, hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng của 2 tỉnh: Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Đảng ủy các cơ quan tỉnh, Đảng ủy UBND tỉnh.
Thành lập Báo và Đài Phát thanh – Truyền hình Bắc Ninh trên cơ sở hợp nhất 4 cơ quan: Báo Bắc Giang, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và truyền hình Bắc Giang, Đài Phát thanh và truyền hình Bắc Ninh.
Thành lập Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bắc Ninh (mới) trên cơ sở hợp nhất Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bắc Ninh và Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bắc Giang và các tổ chức bên trong cơ quan Ủy ban MTTQVN (có đề án riêng).
Cơ quan, Ban của HĐND tỉnh: Hợp nhất các Ban Pháp chế, Ban Văn hóa xã hội, Ban Kinh tế của tỉnh Bắc Giang và Ban Pháp chế, Ban Văn hóa xã hội, Ban Kinh tế – Ngân sách tỉnh Bắc Ninh để thành Ban Pháp chế, Ban Văn hóa xã hội và Ban Kinh tế – Ngân sách thuộc HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới).
Hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND của hai tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới).
Sắp xếp các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh: Sắp xếp, hợp nhất 13 sở, cơ quan của 2 tỉnh có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, gồm: Sở Tài chính; Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nội vụ; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tư pháp; Văn phòng UBND tỉnh; Thanh tra tỉnh; Ban quản lý các Khu công nghiệp.
Thành lập, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị do đặc thù của mỗi tỉnh, gồm: Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bắc Giang và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về tôn giáo, tín ngưỡng từ Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh.
Tổ chức lại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Bắc Ninh đang là cơ quan thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh (là mô hình thí điểm thời gian đến hết năm 2026); tiếp nhận Trung tâm phục vụ hành chính công từ Văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang.
Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, sắp xếp lại Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Giang đổi tên thành Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Ninh sau khi tiếp nhận Trung tâm phát triển quỹ đất từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Ninh chuyển về. Tổ chức lại Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện để thành lập đơn vị trực thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh và hoạt động theo khu vực.
Đối với 4 Ban Quản lý xây dựng của 2 tỉnh đổi tên và hoạt động theo khu vực. Các Trường cao đẳng, Trung cấp của 2 tỉnh được giữ nguyên. Sau khi sáp nhập ĐVHC 2 tỉnh sẽ đánh giá và tổ chức sắp xếp theo quy định. Các đơn vị sự nghiệp về Y tế và giáo dục sắp xếp theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục.
Sau khi hợp nhất, tiềm năng phát triển của tỉnh Bắc Ninh mới là rất lớn
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bắc Ninh cho rằng, đối với Báo và Đài PT&TH 2 tỉnh sẽ báo cáo lại với Ban Chỉ đạo Trung ương, cho xây dựng đề án và thực hiện sáp nhập thành một cơ quan cùng thời điểm 2 tỉnh sáp nhập với nhau, đề án thì xây dựng từ bây giờ để thống nhất tổ chức, bộ máy, quy trình hoạt động.
Đối với Ban Quản lý dự án, thảo luận, thống nhất giữ 4 Ban Quản lý dự án cấp tỉnh, đổi tên và triển khai Ban Quản lý dự án cấp huyện thành Ban Quản lý dự án khu vực thuộc Ban Quản lý dự án cấp tỉnh để tiếp tục các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang triển khai.
Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đề xuất, Ban Chỉ đạo cần xây dựng kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có lịch trình cụ thể. Thường trực Ban chỉ đạo phải rà soát trước một bước về nhân sự cấp trưởng các cơ quan cấp tỉnh và các đồng chí Tỉnh ủy viên để hình dung trước các phương án.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, hiện nay tỉnh Bắc Ninh đang điều chỉnh quy hoạch tỉnh để phục vụ cho xây dựng sân bay và đường kết nối sân bay Nội Bài, thủ đô Hà Nội. Hai tỉnh phối hợp để điều chỉnh quy hoạch tỉnh tạo sự thống nhất, kết nối giữa hai địa phương khi sáp nhập tạo sư thống nhất, liên thông, đồng bộ hạ tầng quy hoạch.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Gấu – Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, biểu dương Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan của 2 tỉnh đã tích cực phối hợp tham mưu xây dựng hoàn thành dự thảo đề án.

Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu khẳng định, 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán, văn hóa do có lịch sử hình thành, gắn bó lâu dài. Sau khi hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh (mới) với dư địa, tiềm năng và tương lai phát triển của tỉnh Bắc Ninh mới là rất lớn.
Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất với phương án sắp xếp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hợp nhất 2 tỉnh và dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh. Ông đề nghị cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện phương án sắp xếp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hợp nhất 2 tỉnh và dự thảo Đề án. Khi có vấn đề phát sinh, cần trao đổi, Thường trực Ban Chỉ đạo xin ý kiến ngay để bảo đảm thời gian và tiến độ thực hiện nhiệm vụ.
Về sắp xếp cán bộ, thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh tập trung cao phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương, thống nhất quan điểm xây dựng tốt phương án sắp xếp nhân sự cụ thể, thống nhất cao, đảm bảo hợp lý và vì mục đích phát triển chung của tỉnh.
Nguồn: https://danviet.vn/chi-tiet-sap-xep-sap-nhap-hai-tinh-bac-ninh-va-bac-giang-du-kien-co-99-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-d1325588.html