Chưng hửng vì giá nhà tăng 25% sau một năm chần chừ mua

‘Thấy thị trường ảm đạm, tôi cố chờ giá nhà giảm thêm mới mua, đến khi nhìn lại, nhiều căn đã tăng tới 25% mà không chốt ngay là mất’.

“Tôi bắt đầu tìm mua căn hộ chung cư (ở TP HCM) từ giữa năm 2023. Lúc đó, tình hình thị trường bất động sản khá ảm đạm, lãi suất ngân hàng cũng giảm sâu nên bản thân tôi cũng chủ quan là giá nhà đất còn giảm nữa. Một phần cũng vì chưa tìm được căn nào thật ưng ý nên tâm lý của tôi là vẫn cố chờ thêm xem thế nào.

Cho đến giữa năm nay, tôi bỗng giật mình khi thấy có những căn đã tăng giá tới 20-25% so với năm trước. Đã vậy, nếu chần chừ, không quyết định mua ngay là sẽ có người ‘chốt’ rất nhanh. Thậm chí, có lúc môi giới giới thiệu cho tôi căn phù hợp, hẹn cuối tuần đi xem nhà, nhưng tới thứ sáu chủ nhà đã gọi lại từ chối vì ‘đã nhận cọc của người khác’. Lãi vay ngân hàng cũng tăng từ dưới 5% (cố định hai năm đầu tiên) lên mức 6,5-7,5% tùy nơi”.

Đó là chia sẻ của độc giả Tui Ne sau bài viết “Vợ chồng tôi lao đi mua nhà khi giá tăng vọt”. Trong quý II năm nay, lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ có xu hướng sụt giảm 30% so với đầu năm, do nền giá cao và người mua giữ tâm lý chờ đợi, theo Bộ Xây dựng. Giá nhà neo cao và ngày càng chênh lớn với thu nhập của người dân cũng khiến nhu cầu vay vốn chậm lại. Thực tế, thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau nhiều nỗ lực gỡ khó từ cơ quan quản lý

Đồng quan điểm về đà tăng giá của thị trường nhà đất trung tâm thành phố lớn, bạn đọc Kẻ độc hành nhận định: “Tôi cũng từng phải trả giá khi lưỡng lự không mua nhà ngay từ cuối năm 2020, khi giá căn nhà đang trong tầm ngắm là khoảng 3-3,2 tỷ đồng. Lúc đó, một phần cũng do tôi chưa đủ tài chính khi mới chỉ có hai phần ba giá trị căn nhà.

Cuối năm 2022, khi dồn thêm được một ít tiền giá của các căn diện tích và vị trí tương tự đã rao bán lên 3,8-3,9 tỷ đồng. Nếu tôi đàm phán tốt thì cũng phải trả mức giá ít nhất 3,6-3,7 tỷ đồng thì người ta mới bán. Sau đó, tôi chốt một căn với giá 3,6 tỷ vào cuối năm đó. Đến đầu năm 2024, tôi thấy mấy căn tương tự cùng ngõ đã giao dịch lên tới 4,2-4,3 tỷ đồng. Rõ ràng nhà chỉ tăng chứ không thấy giảm”.

Cũng rơi vào tình cảnh phải mua nhà đắt hơn vì cố chờ đợi giá giảm, độc giả Lê Huy bình luận: “Cách đây hai năm, vợ chồng tôi cũng đắn đo khi giá nhà chững lại, dự định đợi giảm thêm mới mua khi thấy thị trường có biểu hiện đóng băng. Nhưng chiều hướng không như mong đợi, cuối cùng, chúng tôi vẫn phải mua nhà với giá đắt hơn so với dự tính. Đến giờ, giá căn hộ khu tôi mua đã tăng ít nhất 20-30% rồi”.

Nhận định về tình hình giá nhà trung tâm, bạn đọc Hạnh Bùi phân tích: “Những nơi dân cư vốn đông đúc, thuận lợi để ở, thì gần như là không có chuyện giảm giá nhà. Có lúc, giá nhà không tăng hoặc tăng ít hơn lãi suất ngân hàng, nhưng chúng ta đâu phải chuyên gia mà biết lúc nào nó sẽ tăng lại. Mấy căn nhà mà chủ ngộp, giá tốt, thì dân kinh doanh đã mua hết rồi.

Tôi cũng có cái may là quen thân với một ông anh làm kinh doanh bất động sản nên khi cần mua thì anh có thể giúp mua giá rẻ hơn chút ít. Vậy mà cũng mấy lần anh vừa gọi và gửi thông tin cho tôi xong thì trong vòng một, hai giờ sau đã có người khác chốt mất”.

“Tôi đồng ý quan điểm này vì Hà Nội chưa có hành động cụ thể nào về việc giãn dân, phát triển các khu dân cư ở ngoại thành. Các vùng quy hoạch hàng chục năm rồi vẫn bỏ ngỏ, do đó người dân vẫn có xu hướng tập trung vào nội thành và cận nội thành. Vì vậy, rõ ràng là cung luôn thấp hơn rất nhiều so với cầu, cho nên giá nhà đất (nội thành và cận nội thành) sẽ vẫn tăng đều theo thời gian”, độc giả Tranhoanges kết lại.