Đà Nẵng muốn ‘bắt tay’ với Huế làm đảo nghỉ dưỡng siêu sang.
TP. Đà Nẵng muốn phối hợp với TP. Huế đầu tư phát triển Hòn Sơn Chà thành một đảo nghỉ dưỡng sinh thái biệt lập dành cho đối tượng khách chi trả cao và khách siêu sang.
Định hướng phát triển trung tâm du lịch quốc tế
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vừa ký quyết định phê duyệt hợp phần tích hợp đề xuất liên kết hợp tác phát triển kinh tế giữa địa phương này với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ, miền Trung – Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông Tây 2.
Đáng chú ý, trong định hướng liên kết, hợp tác phát triển du lịch, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu phối hợp với TP. Huế đầu tư phát triển Hòn Sơn Chà (còn gọi là Hòn Chảo) thành một đảo nghỉ dưỡng sinh thái biệt lập dành cho đối tượng khách chi trả cao và khách siêu sang.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn dự kiến phối hợp với TP. Huế đầu tư, cùng khai thác bãi Sủng Cỏ, Mà Đa, Hải Vân Quan.

Cũng trong định hướng trên, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong các trung tâm du lịch quốc tế lớn của vùng và cả nước, đảm nhận chức năng cửa ngõ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đà Nẵng định hướng kết nối với Lăng Cô – Bạch Mã – Cảnh Dương ở phía Bắc; kết nối Điện Bàn – Hội An – Thăng Bình theo vệt biển phía Nam, từ đó, trở thành một trong những trung tâm du lịch biển tốt nhất khu vực Đông Nam Á…
Được biết, Hòn Sơn Chà là một đảo nhỏ, hoang sơ nằm dưới chân đèo Hải Vân. Nhìn xa, hòn đảo này tựa một chiếc chảo úp ngược, do đó người dân xưa kia gọi đây là Hòn Chảo.
Nằm cách đất liền khoảng 10 hải lý, Hòn Sơn Chà cao 235m so với mặt nước biển, có những vách đá san sát, chồng lên nhau sừng sững. Ngoài mặt biển trong xanh, Sơn Chà còn được biết đến là khu rừng nguyên sinh còn rất hoang sơ.
Trước đó, tháng 9/2024, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình về việc giao TP. Đà Nẵng quản lý Hòn Sơn Chà và khu vực phía Nam núi Hải Vân. Tỉnh Thừa Thiên – Huế (nay là TP. Huế) quản lý khu vực phía Bắc núi Hải Vân.
Đầu tư hạ tầng giao thông kết nối
Trong khi đó, đối với định hướng liên kết, hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng, về đường bộ, Đà Nẵng sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu, hướng, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Thạnh Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ hoàn thành đường cao tốc La Sơn – Túy Loan; QL 14B đoạn qua địa phận Đà Nẵng đạt quy mô đường trục chính đô thị 6 làn xe; QL 14G đoạn qua địa phận Đà Nẵng đạt quy mô tối thiểu đường cấp IV với 2 làn xe; đường tránh Nam Hải Vân.
Hạ tầng giao thông kết nối của hành lang kinh tế Đông – Tây 2 nối liền Lào, Thái Lan và Myanmar đến Đà Nẵng qua QL 14B, 14D, nối Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) với Đà Nẵng cũng được đầu tư hoàn thiện.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương khác) kết nối giữa thành phố này với TP. Hội An (Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (TP. Huế).
Về đường sắt, Đà Nẵng dự kiến xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt thường Quốc gia đi cùng hành lang, chạy song song với đường bộ cao tốc về phía Đông; quy hoạch tuyến đường sắt Đà Nẵng – Kon Tum kết nối với tuyến đường sắt Quốc gia Bắc – Nam tại Ga Đà Nẵng mới sau năm 2030.
Nguồn: https://nhadautu.vn/da-nang-muon-bat-tay-voi-hue-lam-dao-nghi-duong-sieu-sang-d94055.html