Đầu tư Khu lâm nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam

(VNF) – Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao này sẽ được triển khai trên diện tích 618 ha thuộc địa phận các xã: Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc và xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An); gồm 3 phân khu chức năng, hướng tới phát triển lâm nghiệp hiện đại, bền vững…

Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 746/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2045.

Dự án khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ có tổng diện tích 618ha; ranh giới thực hiện dự án thuộc địa phận các xã gồm: Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc và xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An).

Phối cảnh không gian phân khu trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 48ha, tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An

Mục tiêu của quy hoạch nhằm thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển kinh tế rừng theo chuỗi giá trị từ giống, quản lý rừng bền vững, trồng rừng chất lượng cao, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản.

Đồng thời, góp phần vào mục tiêu “Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” của Việt Nam tại COP26; tạo nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần quyết định vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Dự án gồm 3 phân khu; trong đó, phân khu 1 (48ha) tập trung sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao, lưu giữ nguồn gen thực vật quý hiếm và đào tạo kỹ thuật. Phân khu 2 (530ha) chuyên về sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, với dây chuyền hiện đại và đào tạo lao động. Phân khu 3 (40ha) là sàn giao dịch kết hợp triển lãm, quảng bá sản phẩm lâm nghiệp và cung ứng nguyên liệu, máy móc.

Mục tiêu quy hoạch nhằm hiện đại hóa ngành lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Dự án góp phần vào cam kết “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26, tạo việc làm cho 60.000-70.000 lao động và thu hút đầu tư.

Theo đồ án, quy hoạch sử dụng đất bao gồm các hạng mục như đất sản xuất công nghiệp (49,06%), đất cây xanh (16,9%), đất giao thông (14,84%) và đất dịch vụ thương mại (6,43%). Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, với mạng lưới giao thông kết nối Quốc lộ 7C và 48E, cấp nước từ Nhà máy nước Nghi Hòa và Cửa Lò, cấp điện từ các trạm 110kV, cùng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn hiện đại.

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/dau-tu-khu-lam-nghiep-cong-nghe-cao-chuyen-nganh-dau-tien-cua-viet-nam-d125212.html