Diễn biến mới nhất về dự án Hồ Ka Pét ở Bình Thuận

Dự án quan trọng Quốc gia được Quốc hội quyết định

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, là Dự án quan trọng Quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.

Phối cảnh dự án Hồ Ka Pét ở Bình Thuận. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Mục tiêu dự án là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó là phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Dự án có quy mô là hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb = 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích Whi = 47,41 triệu m3, dung tích chết Wc = 3,8 triệu m3. Hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án: 697,73 ha.

Dự án Hồ Ka Pét có tổng mức đầu tư: 874,089 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương 519,927 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng.Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.

Tình hình thực hiện dự án và kết quả đạt được là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 93/2019/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện Dự án tại Công văn số 541/TTg-NN ngày 14/5/2020.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (sau đây gọi tắt là Ban QLDA) hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 101/2023/QH15, trong đó có thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. UBND tỉnh Bình Thuận giao Ban QLDA làm chủ đầu tư.

Vào mùa khô, những hồ chứa nước ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thường thiếu nước. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Những công việc quan trọng

Đến thời điểm hiện nay, Dự án Hồ Ka Pét đã triển khai thực hiện được một số công việc quan trọng như công tác lập hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đã hoàn thành và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép số 203/GPBTNMT ngày 28/6/2023.

Công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) cũng đã hoàn thành và được Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM tại Quyết định số 3821/QĐ-BTNMT ngày 27/11/2024.

Công tác khảo sát, lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cũng đã hoàn thành và được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án tại Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 12/3/2025.

Đối với công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành vào tháng 12/2020, cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng vào tháng 4/2022.

Theo Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp…

Vào tháng 2/2025 vừa qua, Ban QLDA đã phê duyệt dự toán chi phí lập đề cương, dự toán điều tra, đánh giá hiện trạng rừng và đất chưa có rừng (Quyết định số 23/QĐ-BQLDA); Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Quyết định số 42/QĐ-BQLDA); Dự toán gói thầu(Quyết định số 47/QĐ-BQLDA) và kết quả lựa chọn nhà thầu (Quyết định số 86/QĐ-BQLDA).

Năm 2023, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Thuận cùng các cơ quan báo chí vào khảo sát vùng làm dự án Hồ Ka Pét. PV

Ban QLDA cũng trình Sở Nông nghiệp và Môi trường thẩm định tại Tờ trình số 29/TTr-BQLDA ngày 24/3/2025. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang tổ chức thẩm định.

Trồng rừng thay thế

Riêng công tác trồng rừng thay thế thì UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường căn cứ số liệu diện tích rừng chuyển mục đích sang mục đích khác và tổng kinh phí thực hiện trồng rừng thay thế của dự án là 176 tỷ

Đến nay, đã hoàn thành việc rà soát, đăng ký diện tích thực hiện trồng rừng thay thế và được Chi cục Kiểm lâm kiểm tra thực tế xác định được tổng diện tích phải thực hiện trồng rừng thay thế cho dự án là 1.845 ha.

Hiện nay các đơn vị chủ rừng tham gia thực hiện trồng rừng thay thế đã chuẩn bị các khâu, các bước để khi Ban QLDA nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thì sẽ triển khai các thủ tục đấu thầu theo quy định và tiến hành trồng rừng vào mùa vụ trồng rừng gần nhất.

Theo đó, dự kiến triển khai thực hiện trên thực địa (khi đã hoàn tất các thủ tục đấu thầu). Dự kiến trồng rừng năm 2025 khoảng 500 ha bằng những loài cây lâm nghiệp mọc nhanh như bạch đàn, keo lai… trên diện tích rừng trồng sản xuất đến tuổi thành thục được phép khai thác thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận.

Năm 2026, sẽ trồng 1.345 ha, gồm 645 ha bằng các loài cây trồng cây bản địa, lâu năm như: Dầu, sến, lim xẹt, căm xe, gõ đỏ, gáo, bằng lăng,… thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (145 ha), Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú (200 ha), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (300 ha) và trồng 700 ha cây lâm nghiệp mọc nhanh thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận.

Như vậy, theo số liệu nêu trên thì tổng kinh phí trồng rừng thay thế của dự án dự kiến triển khai đến năm 2026 là 175.811.001.180 đồng ≈ 176 tỷ đồng.

Quá trình triển khai, đơn vị chủ rừng và Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm phân tích đánh giá thổ nhưỡng, điều kiện lập địa, khí hậu để bố trí loài cây trồng phù hợp theo từng vị trí cụ thể và xây dựng hồ sơ thiết kế trồng rừng theo định mức kinh tế – kỹ thuật quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm cơ sở trình Sở Nông nghiệp và Môi trường thẩm định, phê duyệt để triển khai thực hiện.

Năm 2023, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Thuận cùng các cơ quan báo chí vào khảo sát vùng làm dự án Hồ Ka Pét. PV

Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sơ bộ của dự án

UBND huyện Hàm Thuận Nam đã lập phương án sơ bộ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Dự án với diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 32,2 ha của 25 hộ gia đình cá nhân và kinh phí dự kiến là 95.676,375 triệu đồng.

Đối với vị trí khu đất di dời xây dựng Lăng Cậu Hoa với diện tích khoảng 1.600 m2: UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất cho chủ trương thực hiện tại Công văn số 4776/UBND-ĐTQH ngày 18/12/2024.

Vị trí trên đã được UBND huyện Hàm Thuận Nam phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng xã Mỹ Thạnh và UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của huyện Hàm Thuận Nam tại Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 12/3/2025.

Bố trí vốn và giải ngân

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, lũy kế vốn đã bố trí từ đầu Dự án đến năm 2024 là 11.250 triệu đồng, trong đó lũy kế vốn đến năm 2023 là 10.250 triệu đồng và kế hoạch vốn năm 2024 đã bố trí là 1.000 triệu đồng.

Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 là 5.841 triệu đồng/11.250 triệu đồng, đạt 53,19% kế hoạch vốn.

Kế hoạch vốn năm 2025 là 242.690 triệu đồng (trong đó: nguồn vốn ngân sách tỉnh đã phân bổ là 200 triệu đồng tại Quyết định số 398/QĐ-UBND ngày 27/2/2025 và nguồn vốn ngân sách trung ương đã phân bổ là 242.490 triệu đồng tại Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 13/3/2025).

Theo kế hoạch tiến độ trồng rừng thay thế, trong năm 2025 sẽ trồng khoảng 500 ha, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 47.923 triệu đồng. Dự kiến trong tháng 4/2025 sẽ giải ngân khoảng 47.923 triệu đồng /242.690 triệu đồng. Lũy kế vốn đã bố trí từ đầu Dự án đến nay là: 253.940 triệu đồng.

Vị trí dự kiến thực hiện dự án Hồ Ka Pét. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Dự kiến tiến độ triển khai thực hiện

Trên cơ sở tính toán, rà soát các công việc hạng mục của Dự án theo quy định về đầu tư xây dựng hiện hành thì Dự án dự kiến kết thúc vào ngày 05/6/2028 (tổng thời gian thực hiện Dự án là 1.808 ngày kể từ ngày Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023).

Dự án dự kiến triển khai thông qua 126 hoạt động với 11 nhóm chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau… Hiện một số công việc quan trọng đã hoàn thành và những công việc liên quan được UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện…

Riêng công tác lựa chọn nhà thầu và thực hiện các gói thầu thi công, giám sát, bảo hiểm công trình: có 7 hoạt động, tổng thời gian 633 ngày, bắt đầu ngày 25/8/2025, dự kiến hoàn thành ngày 20/5/2027 (phân chia thành nhiều gói thầu để tổ chức đồng thời, tiến độ này chưa dự kiến thời gian rủi ro trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu như kiến nghị trong đấu thầu và hủy thầu).

Công tác kết thúc Dự án có 5 hoạt động, tổng thời gian 562 ngày, bắt đầu ngày 21/11/2026, dự kiến hoàn thành ngày 05/6/2028.

Vào mùa khô, người dân ở vùng sâu huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thường thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Bích Nghị – BTO

Chuẩn bị công tác rà phá, bom mìn

Theo báo cáo mới nhất của BAN QLDA Đầu tư xây dựng các công trình NT và PTNN, công tác điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư: có 15 hoạt động, tổng thời gian 145 ngày.

Thời gian bắt đầu ngày 19/5/2025, dự kiến hoàn thành ngày 11/10/2025 (tùy thuộc vào quy chế làm việc của các cơ quan Trung ương. Trường hợp Dự án không thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư thì không bao gồm bước này).

Công tác rà phá, bom mìn vật nổ có 9 hoạt động, tổng thời gian 168 ngày, bắt đầu ngày 18/4/2025, dự kiến hoàn thành ngày 3/10/2025.


Nguồn: https://danviet.vn/dien-bien-moi-nhat-ve-du-an-ho-ka-pet-o-binh-thuan-d1331602.html