Dự án Bệnh viện Bạch Mai – Việt Đức cơ sở 2 đặt ở Hà Nam có sai lầm khi quá gần Hà Nội?

Dự án Bệnh viện Bạch Mai – Việt Đức cơ sở 2 đặt ở Hà Nam có sai lầm khi quá gần Hà Nội?

Cách đây hơn 10 năm, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại TP Phủ Lý (Hà Nam) được khởi công xây dựng và kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hình ảnh cửa đóng then cài tại dự án xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2. Ảnh: Gia Khiêm

Mỗi bệnh viện quy mô 1.000 giường với mục đích giảm tải cho cơ sở 1 đã quá tải bệnh nhân. Hai dự án đặt tại tỉnh Hà Nam đã dừng thi công từ tháng 1/2021 đến nay khiến một số hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp.

Cuối tháng 3 vừa qua, Thanh tra Chính phủ kết luận, hai dự án có nhiều vi phạm quy định về đấu thầu, xây dựng và các quy định khác có liên quan trong hầu hết các khâu. Việc sử dụng không hiệu quả đã gây lãng phí lớn, có dấu hiệu gây thiệt hại ngân sách khoảng 1.253 tỷ đồng.

Bao năm qua nơi đây dù đã xây dựng xong nhưng cửa đóng then cài, nhiều hạng mục xuống cấp. Ảnh: Gia Khiêm

Sau sự việc, có nhiều ý kiến thắc mắc cho rằng đặt vị trí, địa điểm của hai cơ sở này tại Hà Nam bị đánh giá sai lầm cơ bản khi quá gần Hà Nội, trong khi Hà Nam không có đại học y khoa, chưa thực sự phục vụ được nhu cầu của người bệnh tuyến dưới. Nếu đặt ở Ninh Bình hoặc Thanh Hoá thì có lẽ hiệu quả của hai công trình đã cao hơn.

Ông Nguyễn Túc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt. Ảnh: NVCC

Trước vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Túc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nêu quan điểm cá nhân, việc đặt ở tại Hà Nam là hợp lý.

Ông Túc cho rằng, cơ sở 2 của 2 bệnh viện nằm cạnh tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, thuận lợi trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Mục tiêu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. Mục đích nhằm giảm quá tải các bệnh viện tuyến trên khi đó trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

“Khi xây ở đây, nhiều người cũng hy vọng giảm bớt lượng bệnh nhân tập trung về Thủ đô, thế nhưng không hiểu tại sao xây xong đắp chiếu. Nhiều lần chúng tôi hỏi vấn đề này đối với những người có trách nhiệm, nhưng lúc bấy giờ người thì giải thích 2 lý do. Lý do thứ nhất, mọi người cho rằng ở Hà Nội tập trung nhiều bác sĩ giỏi nên đến thẳng cơ sở 1, một số nói việc điều bác sĩ giỏi về địa phương gặp khó khăn. Khi vỡ ra thế này, tôi mới thấy rõ bản chất không phải vậy. Việc đắp chiếu theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ xác định, hai dự án này có rất nhiều sai phạm nghiêm trọng”, ông Túc nhấn mạnh.

Hầm gửi xe tại một tòa chức năng trong Bệnh viện Bạch Mai 2 ngổn ngang vật liệu. Ảnh: Gia Khiêm

Cụ thể, Bộ trưởng Y tế và Thứ trưởng phụ trách đã có vi phạm trong việc phê duyệt chủ trương tuyển tư vấn nước ngoài lập dự án, thiết kế dự án thiếu căn cứ, không đáp ứng các điều kiện; không đôn đốc, kiểm tra và không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn khác của người quyết định đầu tư… Sau khi chỉ ra các vi phạm, Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ, tài liệu vụ việc có dấu hiệu của tội Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sang Bộ Công an để xem xét điều tra, xử lý.

Ông Túc đồng tình với Thanh tra Chính phủ trong việc nêu ra lãng phí một cách cụ thể khi hai bệnh viện xây 10 năm chưa xong. Đây là việc để cảnh tỉnh cho tất cả công trình, việc làm khác lãng phí xảy ra. Từ đó, cơ quan thực thi pháp luật cần phải xử lý nghiêm nhưng đồng thời phải chú ý đến hoàn cảnh cụ thể của ngành y tế và những người được giao trách nhiệm.

“Việc này phải làm cho rõ ràng để thấy rõ trách nhiệm những người phụ trách lĩnh vực này. Qua đó, cái gì thuộc về trách nhiệm cá nhân người phụ trách phải xử lý nhưng trên tinh thần có tình có lý. Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải rút kinh nghiệm về giao trách nhiệm cho người phải được đào tạo, phải có kiến thức về lĩnh vực đó, không thể khoán trắng cho họ mà không biết được khả năng họ ra sao”, ông Túc nêu.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quốc hội

Khác với quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng “có lợi ích nhóm” khi đặt cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức ở Hà Nam khi đây không thuộc vị trí trung tâm.

“Tại sao đặt cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức ở đây mà không phải vị trí trung tâm ví dụ như Ninh Bình. Tôi cho rằng rõ ràng có vấn đề. Thực tế để nói bệnh viện nên đặt ở trung tâm đông dân để người dân thuận tiện dễ dàng khám điều trị bệnh nên đặt như vậy chưa phù hợp. Hà Nội về Hà Nam rất gần, sao không xa hơn để nhân dân các tỉnh đến khám dễ dàng”, ông Hoà thắc mắc.

Ông Hoà cũng cho hay, sai phạm tại hai dự án trên cần thiết làm rành mạch rõ ràng để trả lời công luận. Cụ thể, ai sai phạm, sai phạm tới đâu xử lý tới đó, không có vùng cấm dù bất kỳ đó là ai.

Ngoài Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hai Thứ trưởng bị “điểm tên” trong sai phạm tại dự án Bệnh viện Bạch Mai – Việt Đức

Kết luận Thanh tra số 528 của Thanh tra Chính phủ liên quan Dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại Hà Nam đã chỉ ra hàng loạt vi phạm trong quá trình mua sắm thiết bị y tế cho Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Đáng chú ý, kết luận thanh tra chỉ đích danh trách nhiệm của các lãnh đạo Bộ Y tế qua từng thời kỳ.

Ngoài cổng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 cỏ mọc um tùm. Ảnh: Gia Khiêm

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 2011–2019, là người trực tiếp ký các quyết định liên quan đến cả hai dự án trong thời gian từ năm 2013 đến 2017.

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng phụ trách xây dựng cơ bản, đồng thời là người đứng đầu Ban Quản lý dự án chuyên trách từ 2016 đến 2019.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng từ năm 2021, tiếp tục phụ trách Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong lần kiểm tra tiến độ dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Ảnh: Bộ Y tế

Trước đó, ngày 11/3/2019, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.

Trước vấn đề chậm tiến độ triển khai tại Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Ban Quản lý, nhà thầu cùng Bệnh viện cần tiếp tục “ngồi lại với nhau” để lên danh mục cụ thể từng hạng mục và cùng làm song song các hạng mục để 30/4/2019 phải hoàn thành, đặc biệt khu vực cảnh quang xung quanh của bệnh viện cần sớm hoàn thành tránh việc để ngổn ngang vật liệu. Bộ trưởng yêu cầu Ban quản lý chuyên ngành phải làm báo cáo tiến độ, thẩm định dự toán, đối với những vướng mắc cần được thống nhất giữa bệnh viện và nhà thầu.

Toàn cảnh Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Gia Khiêm

Bộ trưởng giao Thứ trưởng thường trực Nguyễn Viết Tiến chủ trì gia hạn hợp đồng với các nhà thầu đồng thời họp cùng với các đơn vị liên quan trong việc tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề khám chữa bệnh BHYT tại đây.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân nêu trên theo đúng quy định pháp luật.

Buông lỏng, sai phạm nghiêm trọng gây thiệt hại hơn 1.200 tỉ đồng

Theo kết luận vừa được công bố, cựu bộ trưởng cùng hai cựu thứ trưởng liên quan đã có hành vi vi phạm trong nhiều khâu, từ phê duyệt chủ trương tuyển tư vấn nước ngoài đến buông lỏng, từ đó để xảy ra nhiều sai phạm gây thiệt hại và lãng phí lên đến hơn 1.253 tỷ đồng.

Toàn cảnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Gia Khiêm

Cụ thể, hai gói thầu XDBM-01 và XDVĐ-01 của hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 với giá trị lên tới 4.389,9 tỷ đồng (chiếm 76,6% giá trị tổng hợp đồng xây lắp), là trung tâm của hàng loạt sai phạm.

Cụ thể, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt khi chưa có thiết kế kỹ thuật, dự toán, bản vẽ thi công. Giá gói thầu được xác định không chính xác, dựa trên tổng mức đầu tư sơ sài, chưa tính đủ các chi phí cần thiết. Hồ sơ mời thầu không đầy đủ, thiếu bảng khối lượng, đơn giá chi tiết, không có căn cứ lập giá mời thầu – vi phạm khoản 1 Điều 7, Luật Đấu thầu 2013.

Sau khi đấu thầu, liên danh Tổng Công ty 36 – 319 – Thành An trúng thầu gói XDBM-01, còn liên danh Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – Hồng Hà Việt Nam trúng thầu gói XDVĐ-01. Nhưng hợp đồng ký kết thiếu hàng loạt nội dung bắt buộc như thời điểm giao mặt bằng, ngày khởi công – hoàn thành, điều khoản điều chỉnh giá…

8 ngày sau khi ký hợp đồng, các nhà thầu đã đề xuất điều chỉnh thiết kế cơ sở dù công trình chưa khởi công, chưa có thiết kế kỹ thuật – vi phạm nghiêm trọng Luật Xây dựng năm 2014. Cả hai dự án khởi công khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, vi phạm nghiêm trọng quy định cấm trong Luật Xây dựng. Việc điều chỉnh phương án móng (từ khoan nhồi sang ép cọc) đã tăng thời gian thi công lên hàng trăm ngày, gây đội chi phí và làm lãng phí nguồn lực. Tổng thiệt hại tạm tính hơn 20,7 tỷ đồng…

Hai dự án trên được khởi công từ đầu năm 2015, cơ bản hoàn thành phần xây dựng đến cuối 2020, nhưng đã dừng thi công từ tháng 1/2021 đến nay. Nhiều hạng mục chậm hàng nghìn ngày. Tại Dự án Bạch Mai cơ sở 2, hạng mục điện, nước của Tổng Công ty Thành An chậm hơn 3.200 ngày. Hạng mục kiến trúc của Tổng Công ty 36 chậm 2.903 ngày.

Tại Dự án Việt Đức cơ sở 2, các hạng mục kết cấu, điện nước đều chậm từ 500 đến 950 ngày, vượt xa tiến độ cam kết. Kết luận nêu rõ, tình trạng chậm tiến độ nghiêm trọng, dừng thi công kéo dài, gây lãng phí tài sản công, thiệt hại cho ngân sách và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển y tế.


Nguồn: https://danviet.vn/du-an-benh-vien-bach-mai–viet-duc-co-so-2-dat-o-ha-nam-co-sai-lam-khi-qua-gan-ha-noi-d1322408.html