Đừng xem nhẹ tâm lý tự ti, cam chịu của trẻ

Những câu nói của cha mẹ với con cái, đại loại như: “Con chẳng làm được việc gì ra hồn!”, “Con thật là vô tích sự!”, hay “Trẻ con biết gì mà nói!”…sẽ vô tình làm cho trẻ bị tổn thương nghiêm trọng. Trẻ có thể cảm thấy mình bị thừa thãi, không có giá trị.

👨‍👩‍👧‍👦Cha mẹ là người gần gũi con nhất và được con tin tưởng nhất. Trẻ tiếp nhận tất cả thông tin từ cha mẹ một cách vô điều kiện, bao gồm cả mặt tiêu cực. Con trẻ không biết hằng ngày cha mẹ cũng chịu nhiều áp lực công việc, mưu sinh, trẻ chỉ biết rằng cha mẹ không chịu hiểu mình và thất vọng về mình. Từ đó, trẻ cảm thấy bản thân vô tích sự, gây phiền phức và là gánh nặng của cha mẹ. Trẻ sẽ nghi ngờ khả năng và giá trị của bản thân mình, hình thành lối suy nghĩ phủ định chính mình theo cách “Cha mẹ cho rằng mình không ra gì, sao mình có thể làm tốt được đây?”, ngày qua ngày, trẻ sẽ không còn tự tin nữa, làm gì cũng sợ bị sai, sợ bị la rầy, trẻ sẽ sống một cách bị động “bảo làm gì thì làm đó” và mất đi khả năng phản kháng, nêu chính kiến.

☘ Tự ti là một sự khiếm khuyết về tính cách. Đặc biệt với trẻ em, tâm lý tự ti ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về cả thể chất và tinh thần của trẻ, gây bất lợi cho sự trưởng thành của trẻ và tác động đến tương lai của trẻ. Nếu trẻ có sự đánh giá sai lệch về bản thân ngay từ nhỏ thì sẽ luôn cho rằng mình là người tệ nhất. Những đứa trẻ tự ti thích thu mình lại, không dám tiếp xúc với người hay sự việc mới bởi trẻ lo lắng mình bị đánh giá, sợ hãi bị những người xung quanh cười nhạo, chê bai. Khi lớn lên, sự tự ti sẽ khiến trẻ không dám một mình đối diện với cuộc sống, không dám ngẩng cao đầu trước người khác, không dám nắm bắt khi cơ hội đến. Trẻ sẽ luôn giữ cái tôi của mình, sống lúc nào cũng dè chừng, buồn khổ.

☘ Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình có nhân cách tốt, sự nghiệp thành công và cuộc sống hạnh phúc, vì vậy, không thể xem nhẹ tâm lý tự ti của trẻ. Cha mẹ hãy đừng vô tình khiến trẻ tự ti mà hãy giúp con sống thật tự tin: Thể hiện tình yêu thương để trẻ thấy mình có một vị trí nhất định trong gia đình, không phải là gánh nặng của cha mẹ; Không áp đặt mà cần tôn trọng trẻ, chịu khó lắng nghe và giải thích cho trẻ hiểu; Khen ngợi khi trẻ làm tốt; góp ý và động viên khi trẻ thất bại.

🍀 Ông bà ta có câu “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, điều này cũng hàm ý rằng một đứa trẻ sẽ trưởng thành như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc và giáo dục của gia đình, nhà trường và từ xã hội, trong đó, gia đình là nhân tố vô cùng quan trọng. Nuôi dạy con trưởng thành và có cuộc sống hạnh phúc là hành trình dài của cha mẹ, có cả nụ cười, mồ hôi và nước mắt.