‘Giá chung cư bỗng tăng 40% rất vô lý’

Nhu cầu mua nhà tăng là có thật, nhưng không thể tới mức ‘sốt’, khiến giá nhà chung cư tăng tới 40% chỉ trong một thời gian ngắn như vậy.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, giá chung cư đầu năm tại Hà Nội tăng gần 40% so với 2019, thậm chí căn hộ tại dự án đã sử dụng 5-10 năm, nhà tập thể cũng leo thang. Bình quân chung cư cũ ở Thủ đô đạt hơn 36 triệu đồng mỗi m2. Nhiều căn nhà tập thể tuổi đời hàng chục năm ở quận trung tâm Hà Nội được rao bán lên đến trăm triệu đồng một m2, ngang với chung cư cao cấp.

Tôi cho rằng, tất nhiên nhu cầu mua nhà tăng là có thật, nhưng không thể tới mức “sốt” khiến giá nhà tăng nhanh tới mức như vậy chỉ trong một thời gian ngắn. Thế nên, việc nghi ngờ có tình trạng chung cư bị thổi giá là hoàn toàn có cơ sở.

Không cần phải tiếp xúc trực tiếp với các môi giới bất động sản mới có thể nhận ra những bất thường ở đây. Báo chí và truyền hình đã có nhiều phóng sự nói về những chiêu trò đăng bài mua bán ảo chung cư với mức giá cao hơn nhiều lần thị trường.

Môi giới còn cho người liên tục gọi điện cho người bán để trả giá cao hơn, khiến những người có nhà tưởng rằng giá chung cư đang tăng mạnh. Khi đó, một là họ sẽ bán vội cho môi giới (đạt được mục đích gom hàng), hoặc người ta không bán nữa mà giữ nhà đợi lên giá (tạo cảm giác khan hiếm hàng để môi giới đẩy giá – vẫn là đạt được mục đích).

Các bạn cứ thử nghĩ, trong một group cư dân chung cư, đột nhiên có 10 người đăng bài cần mua và bán cao hơn giá bạn vừa đăng hôm qua vài trăm triệu đồng thì có đủ ảnh hưởng tới tâm lý của những người khác không? Lúc đó có lẽ người ta lại đồn đại ầm lên rồi về kể hết cho họ hàng và “sốt” lên đi mua bằng được.

Tất nhiên, khi đó, người bán được hàng là họ. Trong tay họ cũng không thể chỉ có một hay hai căn mà là rất nhiều. Và họ cũng không chỉ có một mình mà buôn có phường, bán có hội.

Nói chung, để kìm giá chung cư, tôi cho rằng việc cần làm ngay lúc này là phải đánh thuế lũy kế theo số sổ đã và đang đứng tên mỗi năm của mỗi cá nhân (đôi khi là của cả hai vợ chồng hoặc của cả công ty bất động sản). Càng buôn nhiều càng tích trữ nhiều thì càng phải đóng thuế nhiều. Khi đó, giá mà họ đưa ra sẽ không thể cạnh tranh được với những người buôn ít.

Và đương nhiên, khi người buôn nhà đất chỉ bán được ít thì chắc chắn họ sẽ phải đưa ra mức giá rẻ hơn để hồi vốn. Chứ nếu căn thứ hai cũng tính thuế như căn thứ 20, đều là bất động sản thứ hai, thì không thể thay đổi được thị trường do người bán cứ cộng vào giá cho người mua là xong.

Thêm nữa, chúng ta cần tiến tới việc biến môi giới bất động sản thành một nghề cần có chứng chỉ hoạt động. Người làm nghề này phải khai báo chính xác và đóng thuế thu nhập khi môi giới thành công, ai vi phạm sẽ bị thu chứng chỉ một năm. Có như vậy, chúng ta mới khống chế được vấn nạn môi giới giao kèo với chủ nhà: “Anh thu đủ phần anh, còn em rao bao nhiêu kệ em”, khiến giá nhà đất tăng không kém đầu cơ.

Môi giới bất động sản bây giờ lấy công là tiền chênh lệch luôn chứ không phải hoa hồng 1% như chục năm trước nữa. Như hàng xóm cạnh nhà tôi cũng đăng bán nhà gần ba năm trời. Tôi thấy người ta rao bán trên Facebook giá 12 tỷ đồng. Ấy vậy mà mấy lần ngồi chơi ở cửa, tôi thấy mấy “cò” dắt khách tới xem, người thì nói giá 11.5 tỷ, người lại kêu 10.8 tỷ trong cùng một buổi sáng, cuối cùng chẳng hiểu chủ nhà muốn bán bao nhiêu?