Theo quy hoạch, khu đô thị tại đây sẽ có 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, trải dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở với tổng diện tích gần 11.000ha.
Loạt đô thị triệu USD của ‘giới nhà giàu’ chìm trong biển nước: Có nơi giáp TTTM lớn nhất Việt Nam, nơi ‘sát vách’ đại đô thị của Vinhomes, đại lộ đẹp nhất cả nước
Khu đô thị ‘nhà giàu’ tại Hà Nội thường xuyên ngập lụt sau mưa lớn, giá bất động sản vẫn thuộc top đắt nhất thành phố
Trái ngược với trung tâm Hà Nội, nơi giá nhà đất dao động từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi m2 và quỹ đất ngày càng khan hiếm, vùng ven sông Hồng từ lâu đã được chính quyền và doanh nghiệp chú ý như một tiềm năng để mở rộng không gian đô thị cho thủ đô.
Sông Hồng chảy qua Hà Nội, để lại nhiều bãi giữa hay còn gọi là bãi nổi với diện tích rộng lớn, vị trí đắc địa và cảnh quan đẹp.
Nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất giá trị này, vào cuối tháng 3/2022, Hà Nội đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị sông Hồng với tỷ lệ 1/5.000.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao gồm 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, trải dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, tương đương diện tích của 8 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm cộng lại. Trong đó, sông Hồng chiếm khoảng 3.600ha (33%), đất bãi sông hơn 5.400ha (50%), phần còn lại là các khu vực đã xây dựng như làng xóm có lịch sử lâu đời (Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt), các khu phố ngoài đê và các công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật.
Dự báo đến năm 2030, khu vực này sẽ có quy mô dân số tối đa khoảng 300.000 người, trong đó dân số hiện có giữ lại và cải tạo là 215.000, còn lại là 85.000 dân cư mới từ các nhóm nhà ở mới phát triển.
Phân khu đô thị sông Hồng được định hướng là không gian thoát lũ, đồng thời cũng là cơ hội để Hà Nội tận dụng “mỏ vàng” quỹ đất lớn, tạo dựng không gian xanh và công cộng cho thành phố.
Trong nhiều năm qua, quy hoạch hai bờ sông Hồng đã nhiều lần được đề xuất nhưng chưa thành hiện thực.
Năm 1994, dự án Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City) do nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại khu vực An Dương với tổng vốn đầu tư 240 triệu USD nhưng vướng mắc về trị thủy đã khiến dự án bị đình trệ.
Năm 2006, Hà Nội hợp tác với Seoul để quy hoạch, cải tạo hai bên bờ sông Hồng, dự án dự kiến chia thành 4 khu vực với tổng diện tích 1.500ha và vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD nhưng đến năm 2008 lại bị tạm dừng.
Năm 2016, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu quy hoạch dọc hai bên sông với yêu cầu đảm bảo phòng chống lũ, khai thác hiệu quả quỹ đất và phát triển đô thị hiện đại. Ba doanh nghiệp lớn là Sun Group, Vingroup và Geleximco đã tự góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch với hai phương án: xây dựng đường và đê kết hợp để khai thác quỹ đất đô thị, hoặc xây dựng hệ thống hồ và kênh thu nước để hỗ trợ tiêu thoát lũ.
Năm 2017, Geleximco đã mời Viện Thiết kế và Quy hoạch TP. Hàng Châu tham gia nghiên cứu lập quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng, tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội không đồng ý cho tư vấn nước ngoài tham gia. Sau nhiều năm chuẩn bị, quy hoạch phân khu đô thị dọc hai bờ sông Hồng cuối cùng đã được phê duyệt vào tháng 3/2022.
Đến tháng 11/2022, 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên đề xuất lập đề án công viên văn hóa đa năng tại khu vực bãi nổi giữa sông Hồng, chủ yếu nằm ở quận Hoàn Kiếm với diện tích khoảng 15,3-18ha. Tuy nhiên, khu vực này hiện vẫn ngổn ngang, thiếu quản lý, phần lớn diện tích được người dân sử dụng để trồng rau hoặc bỏ hoang.
Việc lập đề án cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, biến nơi đây thành không gian xanh, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động vui chơi, tham quan du lịch.