Hàng xóm xây nhà lấn đất, phải giải quyết thế nào?

Hàng xóm xây nhà lấn đất phải làm gì để bảo vệ quyền lợi? Xử lý hành vi này thế nào? Cùng chúng tôi giải đáp trong bài viết dưới đây.

Câu hỏi: Tôi có 1 mảnh đất ở quê nhưng nay cả nhà ra thành phố sinh sống.

Cuối năm, khi trở lên, hàng xóm đã xây nhà và lấn đất của gia đình chúng tôi nhưng họ vẫn cãi đó là đất của họ.

Tôi phải làm thế nào?

Chào bạn, hàng xóm xây nhà lấn đất phải làm gì để bảo vệ quyền lợi, xử lý bằng cách nào là đúng pháp luật là nội dung được chúng tôi trình bày, giải đáp dưới đây.

Theo Điều 12 Luật Đất đai 2013, lấn đất là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Vì thế, hàng xóm xây nhà lấn sang đất nhà bạn là một hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, để giải quyết tranh chấp đất đai về hành vi xây nhà lấn chiếm đất, bạn có thể lựa chọn một trong số các cách thực hiện sau đây:

Cách 1: Tự thương lượng, giải quyết

Bạn có thể tự mình thương lượng, yêu cầu hàng xóm phải thực hiện tháo dỡ phần công trình đã xây dựng trên diện tích đất của mình;
Hoặc yêu cầu hàng xóm dừng thi công, bồi thường cho gia đình bạn;
Cách giải quyết khác phù hợp với sự thỏa thuận của các bên;
Nếu không tự thương lượng được, bạn lựa chọn sử dụng 1 trong hai cách sau;

Cách 2: Xử lý vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm không gian được quản lý, sử dụng hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác

Bạn có thể gửi đơn đề nghị/đơn yêu cầu xử lý hành vi xây dựng nhà ở lấn chiếm sang diện tích đất được sử dụng hợp pháp của gia đình bạn;
Đơn được gửi tới Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà đất;
Nếu đủ căn cứ ra xử phạt, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt như chúng tôi trình bày ở phần dưới (biện pháp xử phạt là phạt tiền, yêu cầu phải tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm);
​Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là căn cứ để buộc các bên phải thực hiện;

Cách 3: Thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự luật định

Lấn đất, chiếm đất là những hành vi làm thay đổi ranh giới, diện tích, mốc giới đất và là tranh chấp đất đai theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai.

Do vậy, trình tự giải quyết như sau:

Bước 1: Hòa giải, thương lượng

Pháp luật khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở;
Tại đây, bạn có quyền yêu cầu gia đình hàng xóm phải tạm dừng thực hiện xây dựng nhà ở, công trình trên phần diện tích đất lấn chiếm, hoàn trả lại nguyên vẹn cho bạn diện tích thuộc quyền sử dụng của mình;
Nếu gia đình hàng xóm đã xây dựng hoàn thiện công trình, hai bên có thể thỏa thuận với nhau phương án giải quyết, ví dụ hàng xóm mua lại diện tích đã lấn của bạn…;
Trường hợp các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải (thủ tục bắt buộc);
Bạn có quyền gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai tới Ủy ban nhân dân cấp xã để được hòa giải (bắt buộc hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã) nếu các bên không thể tự thương lượng, hòa giải;
Trong thòi hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình;

Bước 2: Khởi kiện tới Tòa án hoặc yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất giải quyết tranh chấp

Căn cứ Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, nếu hòa giải không thành, bạn có quyền gửi đơn khởi kiện tới tòa án hoặc gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tới Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất để được giải quyết;
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lúc này phụ thuộc vào việc đất đã được cấp sổ hay chưa và nhu cầu của bạn, chi tiết như sau:
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

Bước 3: Kháng cáo hoặc khiếu nại yêu cầu cấp trên trực tiếp giải quyết/hoặc khởi kiện hành chính

Nếu nhận thấy bản án sơ thẩm không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, bạn có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định tới tòa án cấp trên trực tiếp;
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, bạn có quyền khiếu nại yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết/hoặc khởi kiện tới tòa án nhân dân (tòa hành chính) có thẩm quyền;
Như vậy, hàng xóm xây nhà lấn đất phải làm gì để bảo vệ quyền lợi đã được chúng tôi hướng dẫn cách thực hiện như trên.

Theo đó, bạn có thể tự mình thương lượng hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết hoặc khởi kiện.