Khi kỷ luật con, bạn nên nói những gì?

KHI KỶ LUẬT CON, BẠN NÊN NÓI NHỮNG GÌ?

Kỷ luật con là điều chưa bao giờ dễ dàng. Bởi lẽ, chúng ta luôn dành một tình yêu quá lớn cho con cái. Tuy nhiên, kỷ luật không phải là trừng phạt, mà giúp trẻ nhận ra hành vi không đúng mực để điều chỉnh lại. Một trong những điều đáng lưu ý mà trong bài viết hôm nay mà Mầm Nhỏ muốn gửi đến bố mẹ, đó là chúng ta nên nói gì khi tiến hành kỷ luật trẻ.
Dưới đây là một số ví dụ về các cụm từ kỷ luật bạn có thể sử dụng khi con phá vỡ các quy tắc.

1. “Con cần chú ý đến lời nói của mình nhé!”
Khi phạm sai lầm, trẻ sẽ khó có thể bình tĩnh được như bình thường. Vì vậy, trước khi con có những câu nói không đúng mực như: nói tục, la hét, quát tháo…bạn cần cung cấp cho con một lời cảnh báo từ trước.
Điều này, vừa giúp con biết được giới hạn về lời nói và vừa tự quản lý ngôn ngữ của mình.

2. “Con không được phép cắn người khác.”
Khi kỷ luật, trẻ không nhất thiết phải hiểu tất cả những gì bạn nói. Bỏ qua những giảng giải, phân tích về đúng sai, hãy nói ngắn gọn và tập trung vào những điều dễ hiểu và cần thiết nhất với trẻ lúc này.
Đối với trẻ mới mọc răng, bạn có thể nói với con rõ ràng rằng “Không được cắn!”, với một đứa trẻ mới biết đi, bạn có thể nói rằng, cắn sẽ đau như thế nào.
Với trẻ lớn hơn, bạn có thể nhắc lại vấn đề và thừa nhận cảm giác của trẻ. Ví dụ như, “Mẹ biết con đang rất buồn vì chị đã lấy búp bê của con. Nhưng chúng ta phải thay phiên nhau chơi, khi chị ấy chơi xong thì sẽ đến lượt con chơi nhé!”

3. “Con có thể được phép tức giận hoặc khóc, nhưng không được đánh người khác.”
Đôi khi bạo lực chính là cách trẻ thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình. Bằng cách đưa ra lời cảnh báo rõ ràng và hướng con sang những hành vi khác sẽ gửi cho con thông điệp rằng điều này là không được phép.

4. “Nếu con không dọn đồ chơi, con sẽ không được đi chơi công viên chiều nay.”
Trẻ em đủ thông minh để hiểu những cảnh báo của bạn là nghiêm túc hay chỉ là nói suông. Điều quan trọng đưa cho con một kết quả rõ ràng để trẻ sẵn sàng thực hiện theo.
Bằng cách này bạn đã đưa ra sự lựa chọn cho trẻ. Nếu trẻ vẫn không dọn đồ chơi, hãy làm đúng như lời cảnh báo. Tương tự với dọn đồ chơi, bạn có thể áp dụng công thức này khi trẻ không chịu dọn phòng ngủ, không làm bài tập về nhà…

5. “Mẹ biết thực hiện kỷ luật là rất khó khăn, nhưng mẹ mong con sẽ làm điều đó.”
Với kỷ luật, trẻ hiểu mình vẫn là một đứa trẻ tốt, chỉ có hành động sai và chúng sẽ sửa chữa hành động sai đó. Tuy nhiên, trong quá trình kỷ luật trẻ cần sự thông cảm của bạn để cảm thấy an toàn và không cô đơn.
Bằng cách công nhận cảm xúc, những khó khăn mà con sẽ phải trải qua và đặt ra kỳ vọng cho trẻ sẽ giúp trẻ hiểu bạn đang cần gì ở trẻ và trẻ cần làm gì để đạt được sự kỳ vọng ấy của bạn.

6. “Sau khi con bình tĩnh lại, chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề này nhé!”
Kỷ luật là áp dụng các biện pháp khác như nói chuyện, giải thích, cách li, chuyển hướng… để trẻ hiểu hành động của mình là sai và không nên tiếp tục, lặp lại nữa. Tuy nhiên, sau khi kỷ luật bố mẹ cần hướng dẫn cụ thể cho con biết con nên làm gì là đúng, và hỗ trợ con tìm ra phương án giải quyết vấn đề mà con gặp phải.
Điều này vừa giúp trẻ cảm thấy mình có “đồng minh”, vừa là cách giáo dục trẻ tích cực.

7. “Bố/mẹ vẫn sẽ ở đây với con cho đến khi con sẵn sàng để ôm bố/mẹ”.
Một lần nữa, sự cô lập gửi thông điệp rằng con bạn đang không ổn. Bằng cách này, bạn cho con thấy rằng bạn vẫn ở bên cạnh con bất cứ lúc nào.
Kỷ luật không đồng nghĩa với xa cách, hơn lúc nào hết, trẻ cần có bố mẹ ở bên cạnh vỗ về ngay sau khi trẻ nhận ra hành vi sai trái của mình.

8. “Bố/mẹ rất vui vì con đã chấp hành kỷ luật.”
Trong khi kỷ luật có thể mang lại sự căng thẳng cho trẻ, thì khuyến khích và khen ngợi con đã chấp hành tốt kỷ luật là cách bạn đang cho phép con được sai lầm và sửa chữa sai lầm.
Nếu bạn quá gắt gao và khiến cho trẻ cảm thấy sợ hãi khi áp dụng kỷ luật thì trẻ sẽ có xu hướng không muốn chấp hành hoặc sẽ làm mọi cách để mình không bị kỷ luật.

Mặc dù rất khó để giải quyết những vấn đề sai trái của trẻ, nhưng những từ ngữ bạn sử dụng với trẻ chính là chìa khóa để con có những lựa chọn tốt hơn. Dù gì bạn cũng hãy nhớ rằng, tất cả trẻ em đều sẽ mắc lỗi và cần được mắc lỗi để trưởng thành. Nhưng sử dụng những cụm từ kỷ luật một cách tích cực và nhất quán sẽ giúp quá trình kỷ luật hiệu quả hơn và là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề về hành vi.