Khi nào đất không có giấy tờ được cấp sổ đỏ? Người dân nắm rõ còn kịp thời làm hồ sơ

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ được căn cứ trên mốc thời gian sử dụng đất.

Sẽ có bao nhiêu nghị định hướng dẫn Luật Đất đai sửa đổi?

Sáng nay (18/1), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại họp báo, thông tin thêm về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, điều 138 của luật có quy định xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014.

“Trong điều 138 này có quy định một số nguyên tắc cơ bản, giao Chính phủ quy định chi tiết. Với tính chất của Luật Đất đai không thể quy định chi tiết hơn nữa trong luật. Do đó, phải giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết từng trường hợp, từng thời điểm, hồ sơ, giấy tờ”, ông Hiếu nói.

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cụ thể cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ được căn cứ trên các mốc thời gian sử dụng đất khác nhau.

Luật chia các nhóm trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất không có giấy tờ gồm:

Một là, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.

Hai là, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp

Ba là, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp.

Với các trường hợp trên, các quy định cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện khác nhau.

Trước câu hỏi, có bao nhiêu nghị định sẽ được hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), ông Phan Đức Hiếu cho biết, khi trình dự thảo luật thì Chính phủ cũng trình dự thảo nghị định ban hành kèm theo.

Thống kê sơ bộ có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, do đó Chính phủ sẽ ban hành các nghị định để hướng dẫn thi hành 65 điều khoản này.

“Có thể số lượng dự thảo mà ban soạn thảo gửi kèm theo dự thảo luật chỉ là dự kiến. Bởi trên thực tế, khi thực thi luật, trong quá trình thảo luận, hướng dẫn chi tiết thi hành luật thì số lượng của nghị định có thể tăng lên hoặc giảm xuống”, ông Hiếu nói.

Từ đó, ông Phan Đức Hiếu mong muốn Chính phủ cần sớm có kế hoạch triển khai thi hành luật, trong đó xác định việc soạn thảo, ban hành sớm các nghị định hướng dẫn thi hành, bảo đảm luật sớm đi vào cuộc sống.

Toàn cảnh phiên họp báo về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

5 nhóm vấn đề mới đáng chú ý tại Luật Đất đai (sửa đổi)

Về những điểm mới của Luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ, nếu liệt kê chi tiết sẽ có hàng trăm điểm mới.

Trong Luật Đất đai (sửa đổi), cá nhân ông cho rằng có năm nhóm vấn đề mới. Thứ nhất là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng đất; nhóm này có rất nhiều quy định, có nội dung được thảo luận nhiều như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam; chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhóm thứ hai là các quy định tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp. Trong đó điều 79 (thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) được thiết kế thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này đã được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ điều 54 của Hiến pháp về việc chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết.

Nhóm vấn đề thứ ba là các quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ông Phan Đức Hiếu lấy ví dụ các nội dung như: đất sử dụng đa mục đích, giới hạn khi chuyển mục đích sử dụng đất đã thu hẹp lại trường hợp phải xin phép, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp.

Nhóm thứ tư là các quy định về tài chính đất đai. Trong đó, đã tách bạch vấn đề định giá đất, bảng giá đất, ổn định tiền thuê đất, doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm

Nhóm thứ năm là quy định nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước về sử dụng đất đai. Trong đó, đã yêu cầu cắt giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Phát biểu tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), với những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được đồng thuận thì không có lý do gì không thông qua.

“Nếu để đến tháng 5 (kỳ họp thứ 7) mới thông qua dự án luật sẽ làm chậm sự phát triển, nhất là quản trị quốc gia liên quan đến lĩnh vực này”, ông Cường nói.