Lay lắt phận đời trên sông và quyết tâm đưa dân vạn chài lên bờ của Hà Tĩnh

24 ngôi nhà được tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi hỗ trợ xây dựng đã giúp các hộ dân xóm vạn chài thôn Tiền Phong đổi đời.

Nỗi bất an khi mùa lũ kéo về

Xóm vạn chài thôn Tiền Phong (xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) nằm dưới hói Eo Bù, một nhánh của dòng sông Lam.

Nơi đây có 24 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu, sinh sống bằng nghề chài lưới. Nhiều đời nay, họ sống lênh đênh trên sông, không có nhà để ở. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên thuyền.

Mùa lũ năm nay, 24 hộ dân xóm vạn chài phấn khởi, yên tâm sinh hoạt trong ngôi nhà được tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng, với thiết kế công năng tránh lũ.

Lênh đênh hơn nửa đời người trên sông nước, bà Trần Thị Loan (vợ của liệt sĩ Trần Xuân Lý) năm nay đã bước sang tuổi 83. Bà về làm dâu làng chài từ năm 20 tuổi, tới nay đã có 63 năm cuộc đời gắn bó với sông nước.

“63 năm trôi qua là ngần ấy năm tôi sống trong cảnh bất an khi mùa lũ đến. Sống trên thuyền chật chội, lắm lúc mưa to nước tạt vào ướt hết đồ đạc, lúc đó tôi lại chắp tay cầu nguyện cho gia đình được bình an.

Chồng tôi đi bộ đội rồi hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, còn tôi ở lại trên thuyền đánh bắt cá, chăm sóc 3 con. Mùa lũ năm nay, cả xóm chài đã được đổi đời, hạnh phúc, phấn khởi vì được sống trong ngôi nhà mới ấm cúng”, bà Loan nói.

Bà Loan kể, trước đây, người làng chài làm nghề đánh cá và chở hàng hóa, đưa khách qua sông. Thời kỳ chiến tranh, họ vận tải đạn, lương thực từ cầu Bến Thủy (Nghệ An) về đến cầu Linh Cảm (huyện Đức Thọ).

Sau khi hòa bình lập lại, người dân tiếp tục mưu sinh bằng nghề đánh bắt tôm cá trên sông, bám thuyền để sinh sống vì không có đất, nhà để ở.

“Tôi cũng như những người dân làng chài, không nghĩ được rằng có lúc được lên bờ sinh sống, không phải lệ thuộc vào thuyền.

Trước đây, khi nghe đài báo sắp có mưa lũ, chúng tôi bảo ban nhau chằng dây để neo thuyền. Còn các thành viên thì lên bờ tìm nhà người dân xin ở nhờ, ngồi chờ nước rút.

Cuộc sống trên sông nước vô cùng bấp bênh và bất tiện. Cực nhất là không có chỗ đi vệ sinh, đại tiện hay tiểu tiện đều trên sông. Nguồn nước trên sông bẩn nhưng phải dùng để tắm rửa và giặt giũ. Khổ không thể nói hết”, bà Loan nói thêm.

Tương tự, các thế hệ của gia đình anh Nguyễn Trường Sinh (40 tuổi, trưởng thôn Tiền Phong) cũng có hàng chục năm lênh trên chiếc thuyền rộng hơn 3m, dài 7m, cao hơn 1m ở hói Eo Bù.

Anh Sinh và vợ trước đây là hàng xóm, cũng là dân vạn chài. Thấu hiểu hoàn cảnh của nhau nên hai người nên duyên vợ chồng và có với nhau 5 người con.

Tài sản “ra riêng” của hai vợ chồng là chiếc thuyền cũ trị giá 6 triệu đồng, được anh mua lại từ một người làm nghề hút cát. Chiếc thuyền cũ kỹ là nơi tá túc cho 7 thành viên trong nhà.

“Trước đây, sinh sống trên thuyền không có điện lưới thắp sáng. Nguồn điện chủ yếu từ ắc quy. Cứ khoảng 1 tuần, gia đình lại phải chèo thuyền vào bờ để nạp điện. Việc giặt giũ, tắm rửa của cả gia đình đều dùng nước sông, còn nước sinh hoạt phải lên bờ để mua”, anh Sinh nói.

Cũng theo trưởng thôn Tiền Phong, do sinh sống trên thuyền chật hẹp nên việc sinh con cái cũng vỡ kế hoạch. “Liên tục từ năm 2009 – 2017, vợ chồng tôi sinh 5 người con, cứ 2 năm sinh một đứa nên việc chăm sóc con trên sông nước rất vất vả.

Cả 5 lần sinh nở của vợ đều trên chiếc thuyền cũ. Những đêm hôm trời mưa gió, lũ lụt đổ về, cả nhà sống trong cảnh bất an nhưng để có tiền mua đất xây nhà mới là điều không thể”, anh Sinh cho hay.

Anh Sinh nói, hiện căn nhà mới mà chính quyền hỗ trợ có hai phòng ngủ, mỗi phòng rộng 15m2, đủ cho 7 thành viên nên anh rất cảm kích.

“Đến bây giờ, mọi thứ đến với bà con vạn chài vẫn giống như một giấc mơ. Được sinh sống trong căn nhà mới, tôi có cảm xúc đặc biệt, khó diễn tả thành lời. Tôi xin khắc cốt ghi tâm.

Trước đây, những đứa trẻ xóm vạn chài đi học rồi bỏ dở vì điều kiện khó khăn nên trình độ văn hóa thấp và thiệt thòi hơn những vùng khác. Năm nay có nhà mới, có điện để thắp sáng, con cái có chỗ học hành nên bà con rất an tâm”.

Quyết tâm đưa bà con lên bờ

Ông Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh cho biết, trước đây người dân xóm vạn chài từ nhiều nơi khác đến địa bàn thôn Tiền Phong sinh sống bằng nghề vận chuyển hàng hóa trên sông và đánh bắt cá.

Xóm vạn chài sau đó được chính quyền bố trí quỹ đất nhỏ để làm chỗ neo đậu thuyền.

“Từ khu đất nhỏ làm chỗ neo đậu thuyền này, người dân đã xây dựng nhà lên để ở. Tuy nhiên, khi thế hệ con cái được sinh ra thì quỹ đất hạn hẹp nên từ đó các hộ dân ra thuyền ở, lênh đênh trên sông nước, làm nghề đánh cá”, ông Việt nói.

Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh cũng cho biết, cả thôn Tiền Phong có 92 hộ với 267 nhân khẩu. Trong số này có 24 hộ dân từ nhiều đời nay lênh đênh trên thuyền.

Trận lũ lịch sử cuối tháng 10/2020 là nỗi ám ảnh của người dân gần 100 xã, phường trên địa bàn Hà Tĩnh. Cơn đại hồng thủy gây thiệt hại cho toàn tỉnh hơn 5.300 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 ngôi nhà hư hỏng, 53.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

Mưa lớn dồn dập trong 5 ngày liên tục, nước lũ cuồn cuộn dâng lên, khiến cho 24 hộ dân xóm vạn chài đau đáu nỗi lo không có nơi tránh, trú.

Ngày 19/11/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 01 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.

Một trong những giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết, đó là “huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ và xây dựng nhà ở kiên cố cho nhân dân”, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết.

Nhờ sự kêu gọi của tỉnh Hà Tĩnh, các mạnh thường quân đã ủng hộ 9 tỷ đồng để xây dựng 24 căn nhà, quyết tâm đưa bà con xóm vạn chài thôn Tiền Phong lên bờ.

“Cuộc sống của người dân thôn vạn chài trước đây vô cùng khó khăn. Sống trên thuyền nên thông tin liên lạc không có, nghề đánh bắt cá thì theo con nước.

Từ khi lên bờ, cuộc sống của bà con đã đổi thay rất nhiều. Nhiều người đã đổi nghề để ổn định cuộc sống. Đặc biệt là các em học sinh đã có đủ điều kiện để học hành, không còn bấp bênh như những ngày làm bạn với sông nước”, Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh thông tin thêm.

Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, việc hỗ trợ nguồn kinh phí để cấp đất, xây dựng 24 căn nhà, đưa người dân xóm vạn chài thôn Tiền Phong lên bờ là chương trình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra từ đầu nhiệm kỳ và nhờ sự chung tay, góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, người Hà Tĩnh xa quê, 24 hộ dân đã có chổ ở ổn định, con em có điều kiện để học tập thuận lợi.

“Ngoài 24 căn nhà kiên cố cho người dân vạn chài, trong 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, Hà Tĩnh đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão và hơn 8.000 ngôi nhà ở kiên cố cho người dân”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói thêm.