
Từ kỳ vọng đến thất vọng
Dự án Nhà máy Ximăng Phú Sơn (thuộc xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, Ninh Bình) được UBND tỉnh Ninh Bình ban hành các quyết định giao đất năm 2007 với tổng diện tích gần 40ha.
Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Ximăng Phú Sơn (Công ty) đăng ký trụ sở chính tại xã Phú Sơn (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) do ông Nguyễn Hữu Lợi (trú tại số nhà 1177, khu phố 2, phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) làm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật. Công suất dự kiến khi đi vào hoạt động là 11 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Cao Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Hữu Lợi là người gốc Việt, nhưng có quốc tịch Tiệp Khắc. Công ty được UBND tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 6.8.2007, thời gian thực hiện dự án là 33 tháng. Sau đó dự án này tiếp tục được UBND tỉnh Ninh Bình điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư 3 lần, trong đó điều chỉnh lần cuối cùng vào ngày 16.11.2010, gia hạn tiến độ thực hiện dự án đến tháng 12.2012.
Tuy nhiên, sau khi được giao đất và cấp giấy chứng nhận đầu tư, công ty này chỉ mới tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng được một phần tường bao quanh, bể nước, khu nhà văn phòng điều hành 3 tầng đang xây dựng dở dang. Hoạt động xây dựng bắt đầu cầm chừng từ năm 2009, từ cuối năm 2012 đến nay dừng hoàn toàn.
Khi thực hiện dự án, công ty đã lên kế hoạch hỗ trợ cho con em người địa phương đi học ngành ximăng để trở về phục vụ nhà máy. Thời điểm đó, người dân rất phấn khởi, kỳ vọng. Vậy nhưng, đến nay các cháu đã tốt nghiệp từ lâu, nhà máy vẫn chỉ là bãi cỏ hoang.
“Thực tế, họ chỉ hỗ trợ tiền học phí, còn tiền ăn ở, sinh hoạt các gia đình chúng tôi phải chịu. Sau 2 năm học nghề tốn không ít chi phí thì đến giờ sau 17 năm, nhà máy vẫn chưa thấy đâu” – một người dân ở đây nói.

Chưa thể xử lý vì tìm chủ đầu tư mà… không thấy
Không thực hiện dự án theo kế hoạch, công ty cũng không chấp hành mọi quyết định của cơ quan chức năng trong việc nộp tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các quyết định xử phạt hành chính khác.
Tháng 4.2022, Sở TNMT tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, Sở TNMT dù đã gửi văn bản tới công ty mời người đại diện theo pháp luật của công ty đến dự để công bố quyết định thanh tra nhưng sau 3 lần gửi, người đại diện theo pháp luật của công ty vẫn không đến làm việc, không có lý do và cũng không ủy quyền, cử người đến làm việc.
Theo Sở TNMT tỉnh Ninh Bình, việc công ty không cử người làm việc và cung cấp tài liệu hồ sơ cho Đoàn thanh tra nên không thể thanh tra được.
Lãnh đạo UBND huyện Nho Quan cho biết, huyện đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Ninh Bình sớm thu hồi dự án, giao đất cho chủ đầu tư khác.
Sau đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản chỉ đạo Sở KHĐT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động đối với dự án. Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở TNMT tỉnh chủ trì, phối hợp thực hiện thu hồi diện tích đất đã được Nhà nước giao cho Công ty Cổ phần Ximăng Phú Sơn thuê để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Ximăng Phú Sơn theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác liên quan.
Vậy nhưng đến tháng 12.2024, việc thu hồi dự án theo chỉ đạo trên vẫn chưa thể thực hiện.
Trong phiên chất vấn tại HĐND tỉnh Ninh Bình ngày 3.12.2024, ông Nguyễn Cao Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình – cho hay, sở dĩ chưa thể thực hiện được việc thu hồi dự án vì các ngành, các cấp của tỉnh đã đi tìm chủ đầu tư khắp nơi nhưng không thấy nên không thể làm các thủ tục thu hồi, nhất là khi dự án đã có các công trình, tài sản trên đất.
Theo ông Nguyễn Cao Sơn, UBND tỉnh Ninh Bình đã có công văn gửi Chính phủ, Bộ KHĐT, Bộ TNMT và các bộ, ngành liên quan tham vấn cách xử lý nhưng đến đầu tháng 12.2024 chưa nhận được câu trả lời, bởi vậy, dự án vẫn bỏ hoang, lãnh đạo UBND tỉnh đành bất lực.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/loay-hoay-tim-loi-ra-cho-du-an-ximang-bo-hoang-17-nam-tai-ninh-binh-1433329.ldo