Không đợi đến khi lương cao mới bắt đầu tiết kiệm là quan điểm của 2 bạn trẻ này.
“Mới đi làm, lương chưa nổi 10 triệu thì có nên tiết kiệm hay không?” là vấn đề khá gây tranh luận.
Có người cho rằng phải đầu tư cho bản thân, cụ thể hơn là đi học, nâng cấp kiến thức lẫn kỹ năng làm việc để tăng thu nhập rồi mới tính tới chuyện tiết kiệm, đó mới là nước đi thông minh.
Cũng có người lại quan niệm việc tạo dựng thói quen tiết kiệm quan trọng hơn số tiền để dành được hàng tháng. Thế nên lương dù cao hay thấp, cũng vẫn phải tiết kiệm để hình thành thói quen dành dụm.
Đương nhiên, mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau, tùy vào tính chất công việc và hoàn cảnh sống.
Đều “vào đời” với mức lương chỉ 6-7 triệu/tháng nhưng Minh Ngọc và Thanh Hương lại không từ chối tiết kiệm.
Minh Ngọc (sinh năm 1998): Mua được chỉ vàng đầu tiên nhờ dành dụm 200-250k mỗi tháng
Tính đến nay, Minh Ngọc đã làm việc trong ngành Sư phạm được gần 4 năm. Thời gian đầu khi mới đi làm, lương của Minh Ngọc chỉ dao động trong khoảng 5,5-7 triệu đồng. Dẫu vậy, hàng tháng, sau khi trừ hết các chi phí cố định và cần thiết, Ngọc vẫn tiết kiệm được khoảng 200-250k.
“Theo lý thuyết là phải tiết kiệm trước rồi chi tiêu số dư, nhưng hồi ấy lương mình cũng hơi thấp nên đành phải làm ngược lại. Cuối tháng còn dư bao nhiêu là mình chuyển vào 1 tài khoản khác, không phải tài khoản thanh toán thường dùng, vì mắt không thấy, tay không tiêu” – Minh Ngọc chia sẻ.
Có những tháng, cô nhận dạy thay đồng nghiệp hoặc tìm được lớp gia sư buổi tối nên thu nhập cũng tăng. Từ 200-250k/tháng, Ngọc dần tiết kiệm được nhiều hơn, tính ra là cả tiền triệu mỗi tháng sau khi có những lớp gia sư ổn định và lâu dài.
Tháng 10/2021 – Sau khoảng 9 tháng Tốt nghiệp Đại học và đi làm, Ngọc đã mua được 1 chỉ vàng đầu tiên.
“Hồi ấy vàng chưa đắt như bây giờ, mình vẫn nhớ chỉ vàng đầu tiên mình mua được có giá 5725k. Đó là một phần số tiền mình tiết kiệm được suốt 9 tháng đi làm. Mua 1 chỉ vàng xong thì mình vẫn còn dư gần 1 triệu nữa” – Minh Ngọc kể lại.
Hiện tại, thu nhập của Minh Ngọc đã khá hơn, không còn quanh quẩn dưới 10 triệu đồng nữa. Cô cũng đã tiết kiệm được đúng quy trình, chứ không còn “tiết kiệm ngược” như xưa. Minh Ngọc khá tự tin vào khả năng tự kỷ luật để tiết kiệm của mình.
Cô thẳng thắn chia sẻ quan điểm: “Mình không ủng hộ quan điểm đầu tư cho bản thân nên bài trừ việc tiết kiệm vì việc hình thành thói quen tiết kiệm quan trọng lắm. Bạn vừa có thể dành tiền đi học, vừa có thể tiết kiệm mà. Tiết kiệm 50k-100k hàng tháng cũng là tiết kiệm”.
Thanh Hương (sinh năm 1999): Làm 2 việc một lúc, quyết không “động” vào lương từ công việc tay trái
Tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ Trung, Thanh Hương cho biết ngay từ khi còn là sinh viên năm 3, cô đã là CTV “cứng” của một trung tâm xuất khẩu lao động. Năm 2021, sau khi cầm trong tay tấm bằng cử nhân tiếng Trung, Thanh Hương chỉ mất 2 tháng để tìm được công việc full-time.
Kể từ đó cho tới nay, Thanh Hương vẫn duy trì làm 2 công việc một lúc: Trợ lý giám đốc full-time và CTV dịch thuật cho trung tâm xuất khẩu lao động.
Dù không tiết lộ mức thu nhập của bản thân nhưng Thanh Hương cho biết: “Mỗi tháng, mình sẽ tiết kiệm toàn bộ lương của công việc CTV dịch thuật, cộng thêm cả 15% lương fulltime nữa. Vì đang sống cùng bố mẹ, không mất tiền thuê nhà và chỉ phải gửi mẹ 4,5 triệu đồng tiền ăn hàng tháng nên việc tiết kiệm của mình cũng dễ dàng hơn” .
Chia sẻ về động lực tiết kiệm, Thanh Hương thành thật thừa nhận bản thân cũng không có mục tiêu gì to tát hay quá lớn lao như mua nhà, mua xe.
“Mình muốn tiết kiệm 400 triệu để có tiền đi du học Trung Quốc. Nếu mình xin được học bổng thì cũng đỡ tốn kém hơn, nhưng phòng khi chẳng may không xin được học bổng thì chừng đó tiền là tạm đủ cho việc làm hồ sơ, giấy tờ và trang trải chi phí sinh hoạt trong khoảng 2 tháng đầu. Thế nên mình mới nỗ lực tiết kiệm” – Thanh Hương chia sẻ.
Sau 2 năm đi làm và cật lực tiết kiệm, Thanh Hương cho biết tới đầu năm 2023, cô đã tiết kiệm được “hơn 100 triệu một xíu”. Hiện tại, cô vẫn đang duy trì tỷ lệ tiết kiệm: 100% lương job ngoài và 10% lương full-time.