Mất cơ hội bán đất 3 tỷ đồng vì cứ sợ bị hớ

Mới đầu rao hai tỷ, khách tới họ lại rao lên 2,2 tỷ đồng, rồi nhảy vọt lên tới 2,8 tỷ,,,

“Nhiều người lạ lùng lắm, muốn bán cái của mình cao, mua thì đòi thật thấp. Như bạn của tác giả bài viết đất đã có giá hơn ba tỷ, thời điểm đó mà chốt thì giờ tha hồ thư giãn, cứ nghĩ nó lên thêm, nhưng cái gì cũng vậy lộc đến tay không biết hưởng thì sẽ mất luôn”.

Bạn đọc có nickname AKa 100/7 đánh giá về trường hợp Vỡ mộng nhà phố vì đất quê bán 3 tỷ không ai mua.

Theo đó, một người vay tiền ngân hàng để mua nhà phố với suy tính chờ đất ở quê được giá rồi sẽ bán lấy tiền trả nợ. Trong lúc thị trường đang nóng, mảnh đất được hỏi mua với giá ba tỷ đồng nhưng vẫn chưa chịu bán. Sau khi thị trường nguội lạnh, không bán được đất nên phải rao bán nhà ở phố vì không gồng được lãi vay.

Đồng thời, độc giả AKa 100/7 còn kể thêm trường hợp tương tự:

“Một người anh tôi quen vay ngân hàng và người thân để xây căn hộ dịch vụ cho thuê, chừa mảnh đất sát nhà để bán đi lấy tiền trả nợ. Mới đầu rao hai tỷ đồng, khách tới họ lại rao lên 2,2 tỷ đồng, rồi nhảy vọt lên tới 2,8 tỷ đồng. Khách đồng ý mua. Chủ nhà lại nghĩ hớ nên đòi lên 3 tỷ để rồi chẳng ai thèm mua nữa.

Sau mấy năm, lãi vay ‘đẻ tùm lum’ nên phải bán hết tất cả nhà và đất với giá 9 tỷ đồng. Dân đầu tư mua chưa tới một tháng, bán cả nhà lẫn đất được hơn 12 tỷ. Bởi vậy ai có ý định bán thì ở một ngưỡng nào đó chấp nhận được thì đừng nâng mãi”.

Ở trường hợp tương tự, độc giả trung – người hai lần đi vay tiền và phải bán nhà chia sẻ kinh nghiệm:

“Gia nhập cuộc chơi vay tiền với ngân hàng, thì bằng mọi giá, phải kết thúc trận đấu càng sớm càng tốt. Giá đất có tăng, thì bù trừ lại quãng thời gian gồng gánh số lãi và gốc kia, tính ra cũng chẳng được bao nhiêu, ngoại trừ muốn ăn thật dày, giờ thì mất cả chì lẫn chày.

Năm 2013, tôi cũng đã thế chấp một căn nhà, chỉ để vay 350 triệu đồng. Làm ăn thất bại, tôi bán nhà để trả nợ. Sang năm 2014, tôi lại thế chấp căn nhà còn lại, vay 250 triệu đồng, rồi lại thất bại, sau đó bán luôn.

Bây giờ vợ con về quê ở, bản thân tha phương nơi khác làm ăn để gửi tiền về quê lo cho vợ con. Thế cho nên, đụng đến ngân hàng, nhất là kinh doanh, phải có một bài toán và một khoản chi phí dự phòng gần như là gần bằng tiền vốn ban đầu, để đảm bảo là có thất bại thì cũng sẽ có đường lui”.

Độc giả nickname suanghegold nhận xét, đây là những bài học lớn về sử dụng đòn bẩy để nhiều người tham khảo: “Đầu tư thì có lời có lỗ, đặc biệt đầu cơ ngắn hạn thì càng dễ lỗ. Việc mua đất bằng tiền tiết kiệm và nắm giữ dài hạn thì rất khó lỗ, trừ khi mua trúng đất quy hoạch hoặc không đủ giấy tờ.

Khổ nổi là con người vốn tham, thường sử dụng đòn bẩy quá mức điều này gây call margin ở chứng khoán cũng như vỡ nợ ở bất động sản.

Đây cũng là bài học lớn về sử dụng đòn bẩy cho mọi người tham khảo học hỏi”.

Độc giả Hoàng đúc kết: “Cuộc đời có 80% là may mắn, 20% là năng lực. Nếu ai tính toán cũng chuẩn thì ai cũng giàu. Nhưng đời không như là mơ, cuộc chiến đất đai luôn tổng bằng không, anh bán được miếng đất đắt ở thời điểm sốt đất thì anh lại mua một miếng đất khác giá cũng trong giai đoạn sốt, nếu có may mắn thì chờ tới thời kỳ đóng băng để mua, nhưng ai biết trước được bao giờ đóng băng?”.