Khi nào di chúc hợp pháp?
Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc hợp pháp là di chúc phải có đủ các điều kiện sau:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
– Cách chia thừa kế nhà đất theo di chúc
Theo khoản 2 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Hay nói cách khác, người thừa kế được hưởng phần nhà đất bao nhiêu phụ thuộc vào nội dung di chúc nếu di chúc đó hợp pháp.
Lưu ý: Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”
Theo đó, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng và con thành niên mà không có khả năng lao động của người lập di chúc sẽ được hưởng phần di sản thừa kế bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó.
Quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trên đây không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản.
Ví dụ: Vợ chồng ông A, bà B có tài sản chung là nhà đất trị giá 02 tỷ đồng, vì mâu thuẫn với vợ nên ông A trước khi chết đã lập di chúc với nội dung là để toàn bộ di sản cho 01 người con trai (cha, mẹ ông A đã chết).
Mặc dù không được ông A cho hưởng di sản theo di chúc nhưng bà B vẫn được hưởng vì là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015. Phần di sản bà B được hưởng như sau:
– Di sản thừa kế của ông A là 01 tỷ (vì nhà đất là tài sản chung nên chia đôi).
– Nếu chia thừa kế theo pháp luật thì người thừa kế của ông A thuộc hàng thừa kế thứ nhất là bà B và con trai, mỗi suất thừa kế là 500 triệu đồng. Căn cứ khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì bà B được hưởng di sản bằng 2/3 suất thừa kế. Do vậy, dù ông A không cho bà B hưởng di sản theo di chúc nhưng bà B vẫn được hưởng phần di sản thừa kế nhà đất với trị giá là 333.33 triệu đồng.
Việc công chứng văn bản, giấy tờ thỏa thuận phân chia di sản căn cứ theo Điều 57 Luật công chứng năm 2014 như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản.
Nếu thấy chưa rõ hay có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật sẽ từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được thừa kế, được hưởng di sản.