Mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc Hà Giang không chỉ lôi cuốn du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài bởi những ngôi làng còn giữ được nét văn hóa, đời sống, những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương của đồng bào dân tộc, những cung đường phượt uốn lượn như dải lụa trên những sườn núi, là sự thu hút du khách bởi ẩm thực, bản sắc văn hóa.

Sông Nho Quế đẹp thơ mộng và kỳ vĩ khiến du khách rất thích. (Ảnh: Huy Hoàng)
Nếu Hà Giang sáp nhập thì tên gọi đèo Mã Pí Lèng, cột mốc số 0 Hà Giang sẽ như thế nào?
Đến Hà Giang, du khách ngỡ ngàng với sự hùng vĩ của đèo Mã Pí Lèng, hẻm Tu Sản, sự thơ mộng của sông Nho Quê, ngất ngây với những vạt đồi rực rỡ sắc màu hoa tam giác mạch, là địa điểm check in của mỗi du khách tại cột mốc số 0 Hà Giang…, và trước thông tin nếu Hà Giang có thể sáp nhập, tên gọi các địa điểm nổi tiếng Hà Giang sẽ được gọi như thế nào, liệu rằng tên Hà Giang có còn trên bản đồ du lịch Việt Nam, cột mốc số 0 Hà Giang có còn tên như vậy?
Ông Lại Quốc Tĩnh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang chia sẻ với Dân Việt: “Về mặt tích cực, việc sáp nhập tỉnh thành nói chung trên cả nước là chủ trương lớn và người dân đồng lòng ủng hộ. Thứ nhất, khi ta sáp nhập tỉnh thành với nhau sẽ có không gian rộng hơn để quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Thứ hai là giảm các đầu mối. Thứ ba là tiết kiệm ngân sách chi tiêu thường xuyên cho ngân sách nhà nước. Từ đó sẽ có điều kiện nâng cao đời sống người dân.

Hướng dẫn viên Giàng A Pó đang giới thiệu lịch sử của dinh thự họ Vương (Hà Giang). (Ảnh: Huy Hoàng)
Đặc thù với lĩnh vực du lịch, nếu Hà Giang sáp nhập, tôi nghĩ không gian phát triển du lịch của Hà Giang hay với tỉnh được sáp nhập sẽ rộng lớn hơn. Hoạch định để phát triển đa dạng nhiều dòng sản phẩm khác ngoài những sản phẩm truyền thống của Hà Giang. Như vậy du khách sẽ ở lại với Hà Giang nhiều hơn, đỡ bị nhàm chán, từ đó doanh thu du lịch sẽ gia tăng.
Quan trọng nhất là sự kết nối liên vùng để cho du khách có thể ở lại ngoài khu vực Hà Giang. Người làm du lịch Hà Giang sẽ cần phải có chiến lược quảng bá du lịch một cách cụ thể, bài bản hơn, định vị rõ từng thương hiệu sản phẩm để cho du khách lựa chọn. Bởi vì khi mở rộng không gian du lịch sẽ không còn bó hẹp. Khi đó tầm du lịch của Hà Giang sẽ khác hơn so với hiện tại.
Nếu sáp nhập, bước đầu có thể sẽ chông chênh, nhưng tôi hy vọng một thời gian sau sẽ ổn định, đặt nền móng để phát triển một cách bền vững, tiến tới đưa Hà Giang trở thành điểm du lịch được thế giới lựa chọn thường xuyên. Đặc biệt khu vực công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch cấp quốc gia”.

Các em nhỏ dịu hoa cải, tạo nên bản sắc tại điểm đến Nhà của Pao, nơi đây từng là bối cảnh quay bộ phim điện ảnh “Chuyện của Pao”. (Ảnh: Huy Hoàng)
Nhắc đến bản sắc văn hóa liệu rằng có mất đi nếu như Hà Giang sáp nhập, ông Lại Quốc Tĩnh khẳng định bản sắc văn hóa Hà Giang không thể mất đi.
“Bản sắc văn hóa do con người gìn giữ, dù có sáp nhập hay không sáp nhập quan trọng chính là ý thức con người, những người làm du lịch và người dân. Đặc biệt là sự quyết tâm chính trị của các đồng chí lãnh đạo. Các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh đã quyết tâm lấy văn hóa làm giá trị cốt lõi để phát triển du lịch, người dân sẽ đồng lòng gìn giữ văn hóa, từ đó để xây dựng những sản phẩm du lịch mang đặc thù văn hóa của Hà Giang”, ông Lại Quốc Tĩnh cho hay.

Các em bé cũng tham gia làm du lịch tại điểm đến Nhà của Pao, thuộc Làng văn hoá du lịch Lũng Cẩm, tại xã Sủng Là, nằm ở vùng thung lũng của cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. (Ảnh: Huy Hoàng)
Ông Giàng A Phớn – Giám đốc Công ty du lịch Hà Giang trẻ thì cho Dân Việt biết: “Tôi nghĩ rằng, để đưa ra và thống nhất được đề án tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Không phải ngày 1 ngày 2 hay một vài người có thể xây dựng lên được, mà đã trải qua một quá trình nghiên cứu lâu dài của cả một tập thể trí tuệ, chung sức, chung lòng.
Hình dung việc sáp nhập giống như ly nước đặt trên bàn vậy, còn mỗi chúng ta đứng trên mỗi vị trí khác nhau, dùng đôi mắt của mình để quan sát và đưa ra đánh giá, nhận xét. Người thì thấy vơi, người thấy đầy, người thấy trong, người thấy đục, méo mó, sức mẻ, vẹn nguyên …. và chắc chắn mỗi chúng người sẽ có cảm xúc và nhận định riêng. Với vai trò và nhiệm của Đảng, Nhà nước, sẽ phải nhìn bằng cái tổng thể, cân đo đong đếm ở tất cả mọi góc nhìn. Tất cả vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Là người con, người làm du lịch ở Hà Giang, nếu Hà Giang có sáp nhập thì theo tôi đây là cần thiết, là cuộc cách mạng của cả dân tộc. Tôi không cảm thấy phải lo lắng, mà điều này còn mở ra nhiều cơ hội hơn”.

Làng du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, điểm đến được nhiều du khách yêu thích và lưu trú. (Ảnh: Huy Hoàng)
Theo Giàng A Phớn, nếu Hà Giang có sáp nhập với tỉnh thành nào đó, không giữ được tên tỉnh Hà Giang thì từ khóa Hà Giang trong lòng du khách sẽ không bị mất đi, có thể không còn là tên của một tỉnh nhưng giá trị về du lịch vẫn nguyên vẹn.
“Như nhiều địa danh khác, rất nổi tiếng và đã in đậm trong lòng du khách, được du khách nhớ đến Sa Pa thay vì Lào Cai, nhắc đến Đà Lạt thay vì nhắc đến Lâm Đồng, Cát Bà thay vì nhắc đến Hải Phòng, Mộc Châu, Phú Quốc…thì khi nói đến đi du lịch cao nguyên đá họ sẽ nghĩ ngay đến Hà Giang, đến Đồng Văn.
Hà Giang có tài nguyên về du lịch như cao nguyên đá Đồng Văn, bản sắc văn hóa, ẩm thực… tất cả những lợi thế này sẽ không bị hòa nhập hay hòa tan với bất cứ tỉnh nào, nếu như bị sáp nhập.

Địa điểm check in được nhiều bạn trẻ, du khách nhất định phải lưu lại, đó là Km 0 Hà Giang. (Ảnh: Phương Anh)
Còn về Km số 0 Hà Giang thì hiện tại tỉnh Hà Giang có thành phố Hà Giang, cho dù có sáp nhập bất cứ tỉnh nào thì thành phố Hà Giang sẽ vẫn còn đó.
Đi các huyện như Mèo Vạc vẫn có Km 0 Mèo Vạc, lên Xí Mần vẫn có Km 0 Xí Mần…Km số 0 là cách để chỉ điểm trung tâm của điểm đến và với Km 0 Hà Giang cũng chỉ điểm trung tâm của thành phố Hà Giang, vì vậy mà tôi cho rằng Km 0 Hà Giang sẽ không bị thay đổi.
Tôi nghĩ rằng đó là nhập về địa lý hành chính chứ không phải sáp nhập về văn hóa, sắc tộc theo cách bị đồng hóa, nên tôi không cảm thấy lo lắng.
Khi sáp nhập, Hà Giang được mở rộng, du lịch Hà Giang kế thừa phát huy và phát triển lên một tầm cao mới góp phần đưa du lịch Hà Giang thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến yêu thích của mọi tầng lớp du khách, góp phần nâng cao đời sống nhân dân đặc biệt là những người dân vùng biên giới, phên dậu của Tổ quốc, từ đó góp phần gìn giữ an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc”, Giàng A Phớn nói.

Đèo Quản Bạ, một trong những điểm dừng chân tuyệt đẹp tại Hà Giang. (Ảnh: Huy Hoàng)
Một người làm du lịch Hà Giang chia sẻ, trước thông tin nếu tỉnh Hà Giang sáp nhập: “Tôi cho rằng điều này không ảnh hưởng bởi tên gọi không quyết định giá trị của một điểm đến. Thành phố Hà Giang sẽ vẫn là thành phố Hà Giang. Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn là Cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng sẽ vẫn giữ nguyên tên gọi.
Khách du lịch khi đến đây sẽ vẫn nói là đi du lịch Hà Giang. Vì vậy thay đổi tên không làm mất đi bản sắc hay giá trị du lịch của Hà Giang mà điều quan trọng hơn là làm thế nào để bảo tồn, phát triển những giá trị đó để tăng thêm sức hấp dẫn, lan tỏa hơn nữa của mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc”.
Nguồn: https://danviet.vn/neu-ha-giang-sap-nhap-thi-ten-goi-deo-ma-pi-leng-cot-moc-so-0-ha-giang-se-nhu-the-nao-20250321124849461-d1216825.html