
Thành lập xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ
Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã Báo cáo số 49/BC-UBND, nêu tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Phú Thọ năm 2025.
Với đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, Phú Thọ đã nêu kết quả lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình ở 205 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, với tổng số cử tri là 415.812 người. Trong đó, có 409.800 cử tri được lấy ý kiến (đạt tỉ lệ 98,55%), 405.756 cử tri đồng ý (đạt tỉ lệ 97,58%).

Riêng với thị xã Phú Thọ, có 96,64% cử tri đồng ý về việc sáp nhập phường Phong Châu, xã Phú Hộ, xã Hà Thạch để thành lập phường Phong Châu; 97,08% cử tri đồng ý nhập phường Hùng Vương, xã Văn Lung, xã Hà Lộc để thành lập phường Phú Thọ; 98,49% cử tri đồng ý nhập Âu Cơ, phường Thanh Vinh, xã Thanh Minh để thành lập phường Âu Cơ.
Như vậy, giống như 12 huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh, tên gọi của ĐVHC cấp huyện là Phú Thọ (thị xã Phú Thọ) đã được ưu tiên để làm tên gọi của 1 ĐVHC cấp xã mới, đó là phường Phú Thọ trên cơ sở sáp nhập phường Hùng Vương, xã Văn Lung và xã Hà Lộc.

Cùng với đó, phường Phú Thọ mới được thành lập sẽ trùng với tên tỉnh Phú Thọ hiện nay và kể cả trong tương lai, khi tỉnh này hợp nhất với 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Hòa Bình thành tỉnh mới vẫn mang tên Phú Thọ.
Sau khi phường Hùng Vương, xã Văn Lung và xã Hà Lộc hợp nhất, phường Phú Thọ sẽ có diện tích tự nhiên trên 23 km2, quy mô dân số gần 28.000 người.
Phường trung tâm và xã hợp lại làm một
Với những nền tảng sẵn có về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tại thị xã Phú Thọ nói chung, tại phường Hùng Vương, xã Văn Lung, xã Hà Lộc nói riêng cùng những không gian phát triển được mở rộng sau khi sáp nhập, phường Phú Thọ hứa hẹn sẽ là một trong những ĐVHC cấp xã phát triển hàng đầu trong số 66 ĐVHC cấp xã mới tại tỉnh Phú Thọ.

Với phường Hùng Vương, nằm ở vị trí trung tâm của thị xã Phú Thọ, trên địa bàn hiện là nơi đặt trụ sở của Thị ủy Phú Thọ cùng nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, điểm công cộng… Vì vậy, những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tại đây đã được chính quyền thị xã gần 122 năm tuổi này cải tạo, nâng cấp đồng bộ, hiện đại.
Với xã Hà Lộc, là một xã có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi về giao thông, khi trên địa bàn hiện diện nhiều tuyến đường quan trọng của quốc gia như: Cao tốc Nội Bài – Lào Cai (Nút giao IC9), cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ (điểm cuối), đường Hồ Chí Minh (km0) và 2 tuyến đường trục chính của thị xã Phú Thọ là đường Hùng Vương và đường tỉnh 315.

Đặc biệt, phần lớn diện tích của khu công nghiệp Phú Hà nằm trên địa bàn xã Hà Lộc. Khu công nghiệp này đến nay đã thu hút đầu tư hơn 1 tỉ USD, khoảng 30 nhà máy đi vào hoạt động, thu hút hơn 23.000 lao động… Những năm qua, “hiệu ứng khu công nghiệp” giúp kinh tế – xã hội của xã Hà Lộc phát triển nhanh chóng.
Theo ông Trần Minh Lợi – Chủ tịch UBND xã Hà Lộc, năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá trị tăng thêm) của xã Hà Lộc ước đạt 400 tỉ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp – xây dựng đạt 207,4 tỉ đồng, giá trị thương mại dịch vụ đạt 159,1 tỉ đồng.

Về cơ cấu kinh tế, tiểu thủ công nghiệp chiếm 51.85%, thương mại dịch vụ chiếm 39.78%, nông lâm nghiệp – thủy sản chỉ chiếm 8,37%. Năm 2024, tổng thu ngân sách thực hiện là 53,9 tỉ đồng (đạt 534,7% dự toán); thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 60 triệu đồng/người/năm.
“Năm 2024, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã thu hút trên 2700 lao động chuyên và không chuyên có việc làm ổn định. Các ngành dịch vụ có 1200 hộ tham gia thu hút trên 1600 lao động vào các lĩnh vực vận tải, khách sạn, nhà hàng, nhà trọ, dịch vụ internet và kinh doanh hàng bách hoá tổng hợp” – ông Lợi thông tin.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/nhung-dac-diem-dang-nho-o-phuong-moi-trung-ten-tinh-phu-tho-1501068.ldo