Những đứa con thực sự mong muốn điều gì ở cha mẹ chúng?

Các bậc cha mẹ thường lao tâm khổ tứ lo cho con mình được ăn mặc đầy đủ, được học hành đến nơi đến chốn, vào trường này trường kia, mai sau ra đời có công ăn việc làm, có gia đình hạnh phúc. Nhưng liệu đó có phải là điều mà con cái của họ thực sự cần?

Những đứa con thực sự mong muốn điều gì ở cha mẹ chúng?

1. Được cha mẹ công nhận kể cả khi không nói thành lời

Nhiều đứa trẻ luôn mong muốn đạt được thành tích học tập tốt để về khoe với cha mẹ, muốn làm cho cha mẹ hài lòng về mình, thích được nhìn thấy nụ cười của cha mẹ khi khen ngợi mình học tốt.

Tuy nhiên, đôi khi cha mẹ quá lo lắng con mình sẽ trở nên kiêu ngạo mà đáp lại chúng bằng thái độ dửng dưng, không lấy gì làm quan trọng. Từ một khía cạnh khác, cha mẹ thấy con học giỏi thì ngày càng đòi hỏi cao ở chúng. Chúng càng cố gắng học tốt thì lại càng cảm nhận được một loại áp lực từ người thân.

2. Được cha mẹ yêu thương và quan tâm

Vậy còn những đứa con có thành tích kém, lười học, ham chơi và không vâng lời cha mẹ thì sao? Thực ra, chúng có thể đang tìm kiếm tình thương và sự quan tâm của cha mẹ khi mà gia đình bất hòa. Khi trái tim non nớt của chúng cảm thấy đau buồn, chúng sẽ tự hủy hoại bản thân mình để gây sự chú ý.

Ngày nay, người ta lấy nhau về, thích thì sống không thích thì ly dị, cũng rất là đơn giản. Thuận thì vui vẻ chốc lát, không thuận thì chửi rủa miệt thị nhau, tệ hơn nữa còn có thể động thủ cho hả giận. Tỷ lệ ly hôn ở nước ta ngày càng tăng, nhiều người lấy nhau không màng đến trách nhiệm với con cái, bởi vì ngay cả trách nhiệm với nhau họ còn chưa có đủ. Hình tượng cha mẹ có trách nhiệm trong mắt con trẻ làm sao xây dựng được đây?

Đứa trẻ nào cũng cần một tổ ấm để trở về sau mỗi ngày dài đi học, cần sự dịu dàng của mẹ và vững chãi của cha. Chỉ có tình yêu thương, quan tâm của cha mẹ mới là điểm tựa tinh thần vững chắc giúp chúng hình thành nhân sinh quan tích cực, biết yêu thương và quan tâm người khác.

3. Được cha mẹ dạy bảo, uốn nắn từ khi còn nhỏ

Người ta nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”, nhưng không ít đứa trẻ bây giờ đã trở thành “tiểu hoàng đế”, “tiểu công chúa” được ông bà cha mẹ hết mực cưng chiều. Tôi đã chứng kiến một chuyện thế này ở trong chợ:

Một cặp mẹ con trông khá sang trọng bước đến hàng bán rau. Cô bé con trông bề ngoài rất dễ thương đáng yêu.

Người mẹ: Trái mướp này bao nhiêu?

Người bán rau: Trái mướp này 12 nghìn.

Người mẹ: 10 nghìn được không chị?

Người bán rau: Không được chị ơi, 12 nghìn.

Đứa trẻ: Mẹ con chỉ có 10 nghìn thôi cô ơi, cô không được bán mắc cho mẹ con, mẹ con không có tiền.

Người bán rau (ngạc nhiên, cười và nói đùa): Vậy con ở lại với cô nha!

Đứa trẻ: Tại sao con phải ở lại với cô?

Người bán rau: Thì thế, con ở lại trả tiền thay cho mẹ con. Ở lại đi nha!

Đứa trẻ (hét lên): Tại sao con phải ở lại với cô? Cô coi chừng con tát vào mặt cô bây giờ!

Tất cả mọi người xung quanh đó đều há hốc miệng, ngạc nhiên nhìn đứa nhỏ. Sau đó người mẹ đã nói “Con không nên nói vậy”, rồi ôm đứa nhỏ vào lòng mà không hề răn dạy gì thêm. Tôi đã bị sốc! Người bán rau lấy trẻ con ra làm trò đùa là sai, nhưng phản ứng của đứa bé thật sự khiến người ta kinh ngạc. Sự nuông chiều của người mẹ có phải đang hủy hoại đứa trẻ?

Có một câu chuyện dạy con lúc còn mẫu giáo của bạn tôi thế này:

Đứa trẻ: Mẹ ơi, con không thích ăn đồ ăn hôm nay! (Đứa bé nói xong rồi hất đồ ăn xuống bàn)

Người mẹ: Vậy thì con hãy đứng dậy, bước vào phòng và đến ngày mai con mới được ăn.

Đứa trẻ (đến tối thì đói bụng): Mẹ ơi cho con ăn cơm, con đói quá!

Người mẹ: Đi vào phòng đi, ngày mai con mới được ăn.

Sáng hôm sau, đứa nhỏ chạy ra ăn ngấu nghiến bất cứ đồ ăn gì trên bàn.

Dạy con nhỏ không dễ, yếu lòng thì càng khó dạy, cha mẹ cần lý trí và nghiêm khắc. Con thơ mà không uốn nắn thì khi lớn lên một chút sẽ không dạy được nữa. Tương lai, khi đứa bé trưởng thành, nó sẽ rất biết ơn sự dạy dỗ của cha mẹ vào những ngày thơ bé.

4. Được cha mẹ tin tưởng, cổ vũ, động viên

Hiện nay, các bậc cha mẹ thường mong muốn con mình vào được đại học. Đôi khi không thực sự cần, nhưng nó đã trở thành một loại áp lực từ xã hội:

“Con anh thi ngành gì? Thi vào trường nào? Được bao nhiêu điểm, có đậu không? Con tôi đậu vào trường này trường kia kìa, con tôi này kia nọ khác…”

Con cái đi thi mà cha mẹ như ngồi trên đống lửa, bởi vì:

“Con mình học trường công thế này…, con mình học trường tư thế kia…, con mình thi đậu làm mình nở mặt nở mày với thiên hạ…, con mình thi rớt làm mình xấu hổ không dám nhìn ai…”

Sự thật là những đứa trẻ sẽ không cảm thấy quá đau buồn khi chúng thi rớt hoặc đạt điểm thấp, nhưng chúng sẽ rất buồn khi bị cha mẹ khiển trách, mắng mỏ, coi thường, nói những lời không hay.

Ở những đất nước phát triển khác, cha mẹ không quản nhiều việc con cái họ có lên đại học hay không. Cứ đủ tuổi thành niên là bọn trẻ có quyền quyết định việc chúng nên vào đại học hay đi làm, hoặc đi học bất cứ nghề gì phù hợp với khả năng của chúng. Có em còn dành hẳn 1 năm để đi thăm thú đó đây mở mang tầm mắt, trước khi quyết định hướng rẽ cuộc đời mình.

Khi con cái đã lớn, cha mẹ nên xem con như một người bạn, thường xuyên trò chuyện để hiểu tâm ý của con, hướng cho con theo con đường đúng đắn. Như vậy, con sẽ có đủ bản lĩnh để tự đối mặt với biển lớn cuộc đời. Nếu con cái quyết định sai lầm thì hãy nâng đỡ, khuyên nhủ, động viên chúng. Khi cha mẹ thực sự tin tưởng, tôn trọng con cái, con cái sẽ hiểu được tấm lòng thành của cha mẹ.