
đơn vị thuộc Sở Nội vụ và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch sử dụng.
Ảnh: Quang Đại
Từ nhà công quyền thành nơi “giữ hồn” cộng đồng
Thay vì bỏ hoang hoặc chờ quy hoạch, một số địa phương đã chủ động biến những trụ sở dôi dư thành không gian cộng đồng, phục vụ thiết thực cho đời sống người dân.
Tại xã Đông Hòa (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), sau khi sáp nhập từ hai xã cũ, chính quyền địa phương đã tận dụng trụ sở cũ làm nơi sinh hoạt của Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi. Không chỉ tiết kiệm chi phí, việc này còn góp phần duy trì không gian sinh hoạt gắn bó cộng đồng – nơi người cao tuổi có chỗ tập dưỡng sinh, tổ chức lễ hội truyền thống.
Cũng tại Thanh Hóa, một số xã ở huyện Thạch Thành và Triệu Sơn đã tận dụng nhà văn hóa thôn bỏ không sau sáp nhập để làm điểm đọc sách cho thiếu nhi hoặc trung tâm học tập cộng đồng.
Tại Ninh Bình, trụ sở Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Ninh Bình (cũ), sau 5 năm bỏ hoang, gây lãng phí, hiện nay, UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết định đầu tư thêm 120 tỉ đồng để cải tạo thành Bệnh viện Y học Cổ truyền Ninh Bình. Quy mô dự án nhóm B (phân loại theo tiêu chí quy định của Luật Đầu tư công năm 2019) và thuộc dự án đầu tư nhóm II với công suất thiết kế của Bệnh viện Y học cổ truyền là 200 giường bệnh. Thời gian hoàn thành trong năm 2026.
Tương tự, trụ sở của Chi cục Thuế huyện Hoa Lư sau gần 5 năm bỏ hoang, đến nay đã được bàn giao lại cho UBND huyện Hoa Lư (nay là thành phố Hoa Lư) quản lý và sử dụng làm trụ sở tiếp dân, vừa phát huy được hiệu quả công năng sử dụng, vừa tránh lãng phí. Đối với trụ sở Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Ninh Bình, hiện được cải tạo lại và bàn giao cho Bệnh viện Mắt tỉnh Ninh Bình quản lý, sử dụng.
Tại Nghệ An, trụ sở cũ của Sở Tài chính tỉnh hiện đã được chuyển giao cho hai đơn vị thuộc Sở Nội vụ và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch sử dụng làm việc, được giữ gìn sạch sẽ, khang trang.
Ông Nguyễn Trung Long – Trưởng phòng Quản lý Giá và Công sản, Sở Tài chính Nghệ An – cho biết, đối với các trụ sở cơ quan Nhà nước thuộc diện sáp nhập, tổ chức lại hoặc di chuyển sang vị trí mới, các đơn vị sẽ nghiên cứu đề xuất để tiếp tục sử dụng hoặc giao cho đơn vị khác quản lý, bảo đảm hiệu quả. Với các trụ sở không còn nhu cầu sử dụng, sẽ được giao lại cho cơ quan chức năng tổ chức đấu giá.
“Đối với các trụ sở của UBND cấp huyện, xã, phải chờ sau khi sáp nhập và tổ chức xong đơn vị hành chính mới để cân đối, sắp xếp. Trường hợp nào tiếp tục sử dụng thì giữ lại, trường hợp nào chuyển đổi công năng thành trường học, nhà văn hóa hoặc nếu không có nhu cầu sử dụng nữa thì quy hoạch, đưa vào đấu giá. Do đó, sau ngày 1.7, chúng tôi sẽ đôn đốc, kiểm tra, rà soát để xử lý triệt để” – ông Long nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 2.4.2025, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị liên quan phải rà soát toàn bộ tài sản thuộc phạm vi quản lý, làm rõ nguyên nhân chưa đưa vào sử dụng, chưa triển khai phương án sắp xếp và đề xuất biện pháp xử lý cụ thể. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được xem xét nếu để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản.
Ở quy mô lớn hơn, UBND tỉnh TP Huế đã có chủ trương chuyển đổi trụ sở cũ của một số sở, ngành (nằm dọc đường Lê Lợi) thành không gian văn hóa, bảo tàng, hoặc thư viện mở. Những trụ sở có kiến trúc kiểu Pháp cổ được bảo tồn và tái thiết kế thành điểm du lịch văn hóa – thay vì phá bỏ hoàn toàn. Đây được xem là bước đi vừa giữ lại ký ức đô thị, vừa tăng giá trị sử dụng và thu hút du khách.
Thu hút đầu tư: Cần bàn tay nhà nước dẫn đường
Một số địa phương đã mạnh dạn đưa tài sản công dôi dư vào quỹ đất kêu gọi đầu tư, nhất là tại các vị trí trung tâm có giá trị thương mại cao.
Tại TP Thanh Hóa, một số công sở cũ sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý và điều chỉnh quy hoạch đã được đưa vào danh mục đấu giá. Theo Sở Tài chính, năm 2023 có 5 cơ sở được chuyển nhượng thành công, mang lại ngân sách gần 100 tỉ đồng. Dù còn ít so với tổng số trụ sở bị bỏ trống, nhưng đó là tín hiệu tích cực.
TP Huế hiện đang xúc tiến kế hoạch định giá lại tài sản trên đất đối với hàng loạt công trình ven sông Hương – từng là trụ sở của các sở ngành cũ – để đưa vào quỹ đất kêu gọi nhà đầu tư trong lĩnh vực khách sạn, thương mại và dịch vụ.
Ông Trần Hữu Thùy Giang – Chánh Văn phòng UBND TP Huế – cho biết, thành phố sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục, tháo gỡ các rào cản về quy hoạch, định giá và chuyển mục đích sử dụng.
Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư còn nhiều lực cản. Một trong những vướng mắc lớn là mức chi phí đầu tư ban đầu cao do phải thanh toán tiền thuê đất một lần trong thời hạn dài (thường 50 năm), cộng thêm chi phí cải tạo hoặc tháo dỡ công trình cũ. Do đó, nhiều doanh nghiệp dù quan tâm nhưng vẫn dè dặt.
Một số chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế “chia sẻ rủi ro” với nhà đầu tư, chẳng hạn như định giá lại tài sản còn lại trên đất theo giá hợp lý hơn; cho phép thanh toán tiền thuê đất nhiều lần; hoặc ưu tiên nhà đầu tư sử dụng đúng mục tiêu công cộng (giáo dục, y tế, văn hóa). Thực tế cho thấy, xử lý tài sản công dôi dư không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là vấn đề thể chế và sự chủ động của chính quyền cơ sở.
Tái sử dụng hiệu quả các trụ sở bỏ trống giúp tiết kiệm ngân sách, giảm gánh nặng bộ máy và tạo dư địa phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch, cộng đồng. Để đạt được điều đó, cần cơ chế đồng bộ, cởi mở và quyết liệt từ cả Trung ương lẫn địa phương.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/ninh-binh-nghe-an-chuyen-tru-so-cu-thanh-cong-trinh-cong-ich-1505983.ldo