‘Ông lớn’ nào sắp đầu tư vào ngành dược liệu Quảng Nam?

‘Ông lớn’ nào sắp đầu tư vào ngành dược liệu Quảng Nam?

Nhiều doanh nghiệp lớn trong cả nước nghiên cứu khảo sát đầu tư vào công nghiệp dược liệu ở tỉnh Quảng Nam, với tổng vốn dự kiến lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Những gương mặt tên tuổi

Mới đây, hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong cả nước đã ký biên bản ghi nhớ và thỏa thuận nghiên cứu khảo sát đầu tư dự án về công nghiệp dược liệu với tỉnh Quảng Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Viện Dược liệu – Bộ Y tế sẽ nghiên cứu thành lập chi nhánh Viện Dược liệu đặt tại tỉnh Quảng Nam.

CTCP Tập đoàn Thaco Trường Hải ký thỏa thuận nghiên cứu khảo sát đầu tư dự án Cụm nhà máy chế biến dược liệu.

Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) ký kết thỏa thuận nghiên cứu khảo sát đầu tư hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, ứng dụng khoa học, công nghệ trong trồng, chế biến sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

CTCP Dược phẩm OPC ký kết thỏa thuận nghiên cứu khảo sát đầu tư dự án Trung tâm nghiên cứu giống, nhà máy chiết xuất và trung tâm kiểm nghiệm dược liệu tại tỉnh Quảng Nam. 

CTCP Traphaco nghiên cứu khảo sát đầu tư Dự án phát triển vùng trồng và khai thác, sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu sâm Ngọc Linh theo tiêu chuẩn GACP-WHO trên địa bàn huyện Nam Trà My.

Nhiều doanh nghiệp lớn trong cả nước sẽ nghiên cứu khảo sát đầu tư vào công nghiệp dược liệu ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.V.

Liên doanh Công ty TNHH Sâm Sâm và CTCP Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung nghiên cứu đầu tư dự án phát triển vùng trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Nam Trà My với tổng vốn đầu tư dự kiến 270 tỷ đồng.

CTCP Dược phẩm Bạch Mã Vạn Xuân nghiên cứu đầu tư dự án bào chế thực phẩm chức năng có sử dụng các hoạt chất trong sâm Ngọc Linh với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng.

CTCP Capella Quảng Nam nghiên cứu khảo sát dự án trồng và phát triển sâm Ngọc Linh với tổng vốn đầu tư dự kiến 4.000 tỷ đồng.

Công ty TNHH Triết Minh nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến dược liệu Trimico tại Cụm công nghiệp Chợ Lò Phú Ninh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết: “Phát triển công nghiệp dược liệu không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa vùng Đông và Tây của tỉnh Quảng Nam”.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch; phát triển ngành dược liệu theo hướng bền vững, tạo chuỗi giá trị khép kín gắn với chế biến sâu và hướng đến xuất khẩu…

Nhiều doanh nghiệp đánh giá Quảng Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu dược liệu. Ảnh: T.V.

Cam kết từ doanh nghiệp

Với lợi thế về tài nguyên, khí hậu và hạ tầng, nhiều doanh nghiệp đánh giá Quảng Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu dược liệu. Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc CTCP Dược phẩm OPC cho hay, Quảng Nam được quy hoạch là tỉnh nằm trong 8 vùng trồng dược liệu trọng điểm, trong đó rất thích hợp để phát triển trồng 10 loài dược liệu bản địa.

Đặc biệt, Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực. Đây là động lực, cơ hội và sự phấn khởi cho các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển và sản xuất dược liệu.

Theo bà Hương, phát triển một trung tâm công nghiệp dược liệu là hoàn toàn đúng đắn, bởi mỗi doanh nghiệp đầu tư riêng lẻ thì không tạo thành chuỗi.

“OPC cam kết sẽ triển khai vùng trồng ứng dụng công nghệ cao, đồng thời thu mua đầu ra cho người dân cũng như sẽ đầu tư nhà máy chiết xuất hoạt chất tại Quảng Nam”, bà Hương nói.

Còn ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO chia sẻ, THACO có đủ năng lực và nguồn lực nhất định để hiện thực một khu công nghiệp chuyên về nông lâm nghiệp gắn với dược liệu và hiện đơn vị đã quy hoạch một cụm công nghiệp cho phát triển dược liệu.

“THACO mong muốn Quảng Nam trở thành trung tâm chế biến dược liệu sâu, có nghiên cứu khoa học, có sản phẩm đi vào đời sống, nhất là trong xu thế sử dụng dược liệu ngày càng nhiều”, ông Dương nói và khẳng định, tập đoàn sẽ đồng hành tích cực để phát triển đề án.

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2025 – 2035, tỉnh sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn GACP-WHO, hoàn thiện hạ tầng tại Khu kinh tế mở Chu Lai (50ha), thu hút đầu tư xây dựng 3-5 nhà máy chế biến đạt chuẩn GMP-WHO, và thành lập Trung tâm Nghiên cứu sâm Ngọc Linh tại TP. Tam Kỳ.

Giai đoạn 2036 – 2045, tỉnh hướng tới hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đồng bộ, đa dạng hóa sản phẩm dược liệu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao.

Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng chính sách ưu đãi, bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh, phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, tổ chức lễ hội sâm và dược liệu định kỳ 2 năm/lần, tạo việc làm cho 10.000 lao động tại vùng trồng…

Nguồn: https://nhadautu.vn/ong-lon-nao-sap-dau-tu-vao-nganh-duoc-lieu-quang-nam-d96225.html