Làm việc chăm chỉ từ ngày này qua ngày khác mà không thấy có sự phát triển gì cả. Chưa kể đến chuyện luôn cảm thấy bị mắc kẹt ở thời điểm hiện tại và không thể tiến xa hơn. Bạn bè, đồng nghiệp thì đi lên, trong khi bản thân mình cứ ở lại phía sau.
Nếu bạn cảm thấy mình cũng đang giống như vậy, có lẽ đã đến lúc bạn cần áp dụng nguyên tắc 5 giờ dưới đây. Theo Bill Gates, Oprah Winfrey và Mark Zuckerberg, nguyên tắc đơn giản này có thể giúp bạn biến từ một người bình thường thành một người thành công.
Dành 5 giờ mỗi tuần để học
Nguyên tắc 5 giờ nghĩa là dành 5 giờ mỗi tuần, một giờ mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu để tập trung học.
Điều này đồng nghĩa với chuyện các ông cần phải tập trung hết sức trong một tiếng đồng hồ đó để đạt được kết quả tốt nhất – chứ đừng lướt mạng xã hội hết 30 phút.
Và yên tâm, giống như học sinh – các ông vẫn có 2 ngày cuối tuần nghỉ ngơi.
Vậy thì: Học như thế nào trong 1 giờ mỗi ngày đó?
1. Đọc
Không phải tự nhiên mà đọc sách luôn là một trong những thói quen hàng đầu giúp các đàn ông thành công hơn. Đọc sách là việc đơn giản nhất để học.
Bạn nên có một cuốn sách trong túi xách hoặc một cuốn sách để đầu giường. Khi đọc sách, đừngi ép buộc bản thân ngấu nghiến hết cuốn sách trong vài ngày, thay vào đó cứ thong thả chia nhỏ từng chương một trong mỗi ngày. Và đừng quên đặt mục tiêu đọc sách theo tháng, theo quý hay theo năm để hoàn thành.
Nếu bạn ngại sách giấy, thử chọn đọc sách điện tử – có thể sử dụng ở mọi lúc mọi nơi.
Nhà đầu tư Warren Buffett ước tính rằng 80% thời gian ngày làm việc của ông được dành để đọc và suy ngẫm. Ông nổi tiếng với câu nói: “Tôi thường ngồi trong văn phòng của mình và đọc hầu như tất cả mọi ngày”. Buffett dành từ 5 đến 6 tiếng mỗi ngày để đọc 5 tờ báo và 500 trang báo cáo doanh nghiệp.
Nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey bắt đầu đọc từ khi còn là một đứa trẻ và cho đến tận bây giờ bà vẫn giữ thói quen đó. “Tôi đã bắt đầu làm quen với sách khi mới ba tuổi, và sớm phát hiện ra cả một thế giới thú vị từ sách để chinh phục, vượt xa phạm vi trang trại của gia đình chúng tôi ở Mississippi”, bà nói.
Đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates, cũng là một tín đồ của sách, ông đọc 50 cuốn sách mỗi năm, thậm chí ông còn có thư viện lớn hàng ngàn mét vuông để lưu giữ những quyển sách và các tác phẩm nghệ thuật có giá trị. “Tôi thực sự đã có rất nhiều ước mơ khi tôi còn là một đứa trẻ, và không ít trong số đó đã trở thành hiện thực chính là nhờ tôi đã có cơ hội đọc rất nhiều”, ông cho biết.
Ngoài ra, những tỷ phú, doanh nhân khác cũng dành rất nhiều thời gian cho việc đọc: Mark Cuban đọc sách nhiều hơn 3 tiếng mỗi ngày; Arthur Blank, đồng sáng lập Home Depot đọc 2 tiếng mỗi ngày; Doanh nhân tỷ phú David Rubenstein đọc 6 cuốn sách mỗi tuần; Dan Gilbert, tỷ phú tự lập và chủ của Cleveland Cavaliers đọc từ 1 đến 2 tiếng mỗi ngày; Mark Zuckerberg đọc ít nhất một cuốn sách mỗi hai tuần.
2. Suy nghĩ
Có bạn sẽ trả lời rằng: Lúc nào chẳng suy nghĩ, cần gì phải dành ra một khoảng thời gian để làm việc này? Nhưng có bao giờ bạn dành ra một khoảng thời gian thật yên tĩnh, chỉ có một mình và suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra trong ngày, cũng như rút ra bài học từ nó chưa. Đó cũng là một trong những thói quen nên làm trong hành trình tự học của chính mình.
Giám đốc điều hành AOL, Tim Armstrong yêu cầu đội ngũ quản lý cấp cao của ông dành 4 tiếng mỗi tuần chỉ để suy ngẫm.
Giám đốc điều hành Twitter, Jack Dorsey là một người thường xuyên chiêm nghiệm.
Jeff Weiner, giám đốc điều hành LinkedIn, dành 2 tiếng mỗi ngày để suy ngẫm.
Brian Scudamore, nhà sáng lập O2E Brands trị giá 250 triệu USD, dành 10 tiếng mỗi tuần cũng chỉ để suy ngẫm.
Tỷ phú Sara Blakely là một nhà báo lâu năm. Trong một cuộc phỏng vấn, cô chia sẻ rằng mình có hơn 20 cuốn sổ tay để ghi lại những vấn đề tồi tệ đã xảy ra và những bài học mà cô đã chiêm nghiệm được.
Đó chỉ là những ví dụ điển hình về tầm quan trọng của suy ngẫm và chiêm nghiệm của những người nổi tiếng. Các bạn cứ thử đi, và tôi tin là chỉ ngày mai thôi, bạn sẽ có những cách cư xử tử tế hơn, cách suy nghĩ chín chắn hơn và có những sự lựa chọn đúng đắn hơn.
3. Thử nghiệm
Thử nghiệm là một bước quan trọng để bạn áp dụng những kiến thức, những điều đã rút ra trong sách vở cũng như trong khoảng thời gian tự suy nghĩ ở trên.
Nhớ tới câu chuyện về thiên tài Thomas Edison, người thường tiếp cận những phát minh mới một cách rất khiêm tốn. Ông đưa ra mọi giải pháp có thể và sau đó thử nghiệm từng giải pháp một cách có hệ thống. Ông áp dụng phương pháp này cực đoan đến nỗi đối thủ của ông là Nikola Tesla, đã nói về phương pháp thử nghiệm và sửa sai này như sau: “Nếu Edison phải tìm một cây kim trong một bãi cỏ, ông ấy sẽ không dừng lại để nghĩ xem cây kim đó có khả năng nằm ở đâu. Thay vào đó, ông ấy sẽ vạch từng ngọn cỏ một cho đến khi tìm được nó”.
Thử nghiệm vào cuộc sống để bạn biết rằng:
Không phải tất cả những điều đã học khi áp vào cuộc sống đều dễ dàng, và không phải tất cả những điều đó đều đúng với bản thân.
Nếu không thử, nếu không thực hành, chuyện học ở 2 bước trên trở nên vô nghĩa.