Hiện nay, Bình Thuận có 3 cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Cam Lâm – Vĩnh Hảo đi qua. Tổng chiều dài đường cao tốc đi qua toàn tỉnh Bình Thuận là 160km.
Trong đó, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài khoảng 12km, toàn tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài khoảng 100km và tuyến Phan Thiết – Dầu Giây khoảng 47km.
Từ khi đưa vào khai thác, những đoạn cao tốc đã rút ngắn nhiều thời gian hành trình từ TPHCM, Đồng Nai đến Bình Thuận, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ.
Đồng thời, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách, hàng hoá giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Còn người dân Bình Thuận đi TPHCM thuận tiện hơn, khi chỉ mất khoảng 2,5 giờ.

Ông Phạm Quốc Hùng – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận nhìn nhận rằng, từ khi có cao tốc thông suốt qua tỉnh Bình Thuận thì du khách đã đến Bình Thuận du lịch nhiều hơn bởi sự thuận tiện.

Điều này là một trong những yếu tố giúp ngành du lịch Bình Thuận tăng trưởng trong năm 2024, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Lượng khách du lịch năm 2024 ước đạt 9.657.000 lượt khách, mang lại doanh thu từ hoạt động du lịch trong cả năm 2024 đạt 25.826,5 tỉ đồng, 2 chỉ số này đều tăng 15% so với năm trước.

Mặc dù các đoạn cao tốc thông suốt qua tỉnh Bình Thuận đã tạo trục giao thông thuận lợi nhưng nhiều tài xế cũng cho rằng, cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết mặt đường có quy mô 4 làn xe nhưng không có làn khẩn cấp, chỉ có các dải dừng xe khẩn cấp cách nhau 4-5 km.
Và tốc độ tối đa trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết là 90 km/h là khá chậm. Còn vấn đề trạm dừng nghỉ trên các đoạn cao tốc cơ bản cũng đã được giải quyết.

Từ ngày 20.1.2025, trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tại Km47+500 (đoạn giáp ranh Đồng Nai – Bình Thuận) và trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết tại Km205 (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đã được đưa vào vận hành tạm để phục vụ nhu cầu dừng nghỉ, đi vệ sinh của người dân lưu thông trên cao tốc.

Giao thông thông suốt, vận tải hàng hóa thuận lợi, du khách tiết kiệm nhiều thời gian đến Bình Thuận là những “quả ngọt” gặt hái được khi có cao tốc đi qua toàn tỉnh. Đặc biệt, hạ tầng giao thông được kết nối đã thu hút các nhà đầu tư vào phát triển 3 trụ cột kinh tế địa phương.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/suc-bat-cua-binh-thuan-nho-3-doan-cao-toc-di-qua-toan-tinh-1452520.ldo