Nghề “bào” sức
15h, anh Trần Văn Nhí (37 tuổi, ngụ tại TPHCM), tài xế công nghệ, tấp vào góc đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) để tạm nghỉ ngơi, chờ app (ứng dụng) “nổ” cuốc xe mới. Nhưng hơn nửa tiếng trôi qua, nam tài xế chờ mãi mà điện thoại im re, không thấy nháy.
Chán nản, anh Nhí ngồi thẫn thờ cả buổi. Mỗi ngày, băn khoăn “lý do gì chọn nghề này?” càng thường xuyên trở đi trở lại với nam tài xế.
“Tôi làm nghề này được 1 năm. Thời gian đầu, trung bình mỗi tiếng có 4 cuốc xe, giờ hiệu suất chỉ còn 1-2 cuốc. Tất nhiên, thu nhập vì thế cũng giảm đi phân nửa. Giờ cố lắm cũng chỉ kiếm được 300-400.000 đồng/ngày, chưa trừ chi phí ăn uống, bảo dưỡng xe”, anh bộc bạch.
Đối với một người làm nghề tự do, thu nhập ấy là không thấp. Tuy nhiên, anh Nhí phải làm việc 12 tiếng/ngày, từ 12h đến 0h hôm sau mới về đến nhà.
Sau 1 năm chạy xe, anh Nhí đã đen nhẻm, mắt lúc nào cũng lờ đờ, mệt mỏi vì những giấc ngủ chập chờn. Dù chưa đến tuổi 40, sức khỏe và diện mạo anh Nhí đều bị bào mòn nhiều.
Cách đó không xa, anh Quốc Lưu (38 tuổi) cũng đang hồi hộp chờ cuốc xe mới. Anh Lưu làm nhân viên văn phòng, tranh thủ giờ tan ca và cuối tuần để chạy xe ôm công nghệ. Lái xe 3-4 giờ/ngày ngoài trời khói bụi, nắng mưa, anh Lưu kiếm được hơn 100.000 đồng. Thu nhập này tương đương mức 30.000 đồng/giờ, bằng lương làm thêm ở nhà hàng của một sinh viên.
“Làm nghề này nếu xét về tính ổn định thì rất khó nói vì chỉ những tài xế đạt tiêu chuẩn thì mới được hỗ trợ, tham gia các gói an sinh xã hội như bảo hiểm tai nạn. Nếu không, chúng tôi phải tự tìm cách tự tham gia bảo hiểm để bảo vệ bản thân.
Người làm nghề này đội nắng mưa cả ngày, có bệnh tật thì cũng tự chịu. Vậy nên dù công việc văn phòng lương không cao, tôi vẫn không dám bỏ hẳn để đi chạy xe công nghệ toàn thời gian”, anh Lưu chia sẻ.
Mơ hồ về tương lai
Trước đây, anh Nhí từ Trà Vinh lên TPHCM lập nghiệp, kiếm tiền bằng nghề bán rau ở chợ. Kinh tế khó khăn, việc kinh doanh ế ẩm, anh đành gác việc “ông chủ”, đăng kí làm tài xế xe công nghệ.
Công việc mới không gò bó, lại chủ động được thời gian, thoạt đầu, anh Nhí cảm thấy rất thích. Nhưng dần dà, nam tài xế ngẫm lại khi thấy tiền làm ra chỉ đủ nuôi bản thân, hiếm lắm mới có tháng dư dả chút ít. Vợ anh cũng phải đi làm thì mới đủ lo kinh tế để gia đình duy trì cuộc sống đắt đỏ ở thành phố.
“Vợ chồng tôi thuê trọ ở quận 12 với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Mỗi lần đi làm là phải đi rất xa vào trung tâm thành phố. Cũng phải chấp nhận vậy thì mới đủ vun vén. Tiền làm ra có thể thoải mái tiêu xài cho bản thân nhưng để lo cho gia đình thì không đủ sức”, anh Nhí nói.
Anh và vợ cưới nhau đã lâu. Nhưng hễ nhắc đến chuyện sinh con, nam tài xế lại thở dài, thốt lên câu: “Không được đâu. Căng lắm!”.
“Tôi cũng không biết sắp tới sẽ như thế nào nhưng trước mắt, hai vợ chồng vẫn chưa dám sinh con. Nếu may mắn tìm được nghề khác lương cao, ổn định hơn thì còn mơ đến việc đó. Còn giờ vẫn làm tài xế thì không ăn thua. Mà đâu thể làm nghề này mãi được”, anh thẳng thắn.
Đã đến tuổi kết hôn, nhưng anh Thanh (30 tuổi) vẫn độc thân. Trước đây, anh Thanh từng là công nhân nhưng không may bị sa thải trong đợt cắt giảm nhân sự của nhà máy. Thất nghiệp, nghe nghề xe ôm công nghệ có thể kiếm nhiều tiền, anh Thanh mừng rỡ đăng ký và gia nhập đội ngũ tài xế.
Thời gian đầu, anh có thể kiếm được 600.000-700.000 đồng/ngày với 10 giờ làm việc. Nhưng hiện tại dù có chạy 12 tiếng/ngày, số tiền anh “bỏ túi” sau khi trừ các chi phí xăng xe, bảo dưỡng, ăn uống… chỉ còn hơn 200.000 đồng.
“Đúng là thời gian đầu, tôi kiếm được nhiều tiền thật, có dư gửi về quê cho bố mẹ. Nhưng không ngờ nghề này giờ quá cạnh tranh, tiền làm ra còn không đủ một mình tôi chi trả cho các khoản phí khi sống ở thành phố lớn”, anh Thanh nói.
Với mức thu nhập này, anh phải “cắt” tiền gửi về cho bố mẹ hằng tháng vì khoản kiếm được chỉ đủ lo cho bữa ăn hằng ngày ở thành phố. Vậy nên khi nói đến chuyện lập gia đình, anh Thanh nhăn mặt, lắc đầu. Bản thân anh giờ chỉ mong tích cóp đủ tiền để đi học nghề, có một công việc ổn định hoặc ít nhất là xin được làm công nhân cho nhà máy như trước.