Thu nhập vợ chồng 17 triệu đồng, cô vợ vẫn bỏ ra được 8,5 triệu đồng/tháng mua vàng: Bí quyết nằm ở điều sau!

Câu chuyện của chị M. đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

Mới đây, trong một nhóm về quản lý chi tiêu, tài chính, câu chuyện của một người phụ nữ ẩn danh (tạm gọi là chị M.) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.

Chị M. tâm sự, gia đình chị có 3 thành viên. Hiện chị đang ở nhà chăm sóc con nhỏ, chỉ có chồng đi làm có thu nhập 17 triệu đồng. Ngay khi chồng đưa 16 triệu đồng, chị M. sẽ trích luôn tiền để mua 1 chỉ vàng, giá vàng hiện tại khoảng 8,5 triệu đồng/chỉ. Hiện vợ chồng chị M. lấy nhau 4 năm, có 250 triệu đồng tiền tiết kiệm và 5 – 6 cây vàng.

Số tiền còn lại khoảng 8 triệu đồng sẽ được chị M. chia ra: Tiền ăn khoảng 2 triệu đồng; Tiền điện nước, tiền mạng là 1 triệu đồng; Tiền cỗ bàn cưới xin khoảng 1 triệu đồng. Gia đình chị chỉ thăm hỏi, gửi quà mừng với những người thật sự thân, còn không sẽ báo bận và không gửi quà; Tiền phát sinh khoảng 1 triệu đồng; Tiền tiết kiệm khoảng 3 – 4 triệu đồng (nếu không có việc phát sinh sẽ để dư khoảng 5 triệu đồng).

Chị M. chia sẻ thêm, con chị hiện dùng sữa mẹ nên không mất tiền mua sữa ngoài, con cũng ăn dặm theo bố mẹ nên không tốn tiền thức ăn. Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi tiêu gia đình, chị sẽ canh những đợt khuyến mãi lớn để mua quần áo, đồ dùng cho gia đình.

“Trộm vía mình từng trúng cả chiếc ti vi… Vợ chồng mình xuất thân làm nông, công nhân. Nên rất cố gắng vun vén để sau này con cái đỡ vất vả” , chị M. chia sẻ.

Trước bài đăng của chị M., nhiều người dành lời khen vì sự chu toàn, đảm đang, vun vén của chị. Nhưng cũng không ít người hoài nghi vì tính xác thực, nghiêm túc của câu chuyện. Mọi người cho rằng, với mức sống 2 triệu đồng/tháng không thể đảm bảo cuộc sống của 3 thành viên, đặc biệt là với trẻ nhỏ vì có quá nhiều khoản cần chi như: Bỉm, sữa, thuốc men, quần áo,…

Trước những thắc mắc của mọi người, chị M. đã có bài viết khác nhằm chia sẻ chi tiết hơn về việc cân đối tài chính trong gia đình. Nhà chị M. trồng được lúa nên không mất tiền mua gạo, có cả gạo để ăn và để chăn nuôi gia sức, gia cầm. Nhà chị có gà, vịt đẻ trứng nên đây là nguồn thức ăn dồi dào, khi ăn không hết, chị lại đem bán. Tương tự với rau trồng cũng vậy. Thi thoảng, cả gia đình sẽ ăn thịt gàm thịt vịt. Hàng xóm, người thân xung quanh làm thịt lợn, chị cũng xin mua cùng để được giá rẻ và có thực phẩm ăn dài ngày.

Về cá tôm, gia đình chị tự đi bắt ở ao, mương. Gia đình chị không ăn các loại cá biển, ốc biển vì giá thành cao và do quen ăn các loại cá nước ngọt. Nhà chị ở quê, không mất tiền thuê nhà nên không mất khoản lo nhà ở.

Chị M. tiếp tục cho biết: “Bé nhà em ăn sữa mẹ 100%, ăn dặm theo nhà, nghĩa là bố mẹ ăn gì, con ăn nấy, chỉ nấu nhừ hơn và không cho gia vị. Về hoa quả, thi thoảng mình có mua, còn chủ yếu là có ổi, bưởi, cam trong vườn nhà. Bé chỉ tiêm phòng ở trạm xã, mình không tiêm mũi ngoài. Từ lúc sinh ra đến giờ, bé cũng chưa từng phải đi việm, chưa uống kháng sinh. Bé ăn sữa mẹ nên sức đề kháng tốt. Mình thấy tiêm phòng theo các mũi tiêm nhà nước là đủ, nhà nào có điều kiện mới tiêm ngoài.

Về việc mọi người thấy mình tiết kiệm quá mức là do gia đình 2 bên nghèo nên mình cần quản lý chi tiêu để có việc cấp bách, ốm đau, thất nghiệp, mình không phải đi vay mượn ai. Còn những người nói gia đình mình ăn uống khổ sở, mình thấy đó đều là đồ sạch, chất lượng”.

Phía dưới bài viết, nhiều người để lại ý kiến:

– Ở quê dễ sống hơn nhiều, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.

– Các khoản ăn uống thì không nói, nhưng vấn đề sức khoẻ con cái cần được cải thiện.

– Đây là tự cung tự cấp gần như 90% rồi, đâu phải chi tiêu mấy nữa đâu mà so sánh!