Theo báo Tiền Phong, UBND tỉnh Bình Dương cho biết quá trình triển khai các hoạt động liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn, cả về cơ chế chính sách lẫn hạ tầng pháp lý.
Cụ thể, nhiều quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn chuyển đổi số, gây vướng mắc trong việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, dữ liệu lớn (Big Data)… Đặc biệt, tỉnh vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho việc thành lập Công viên Khoa học Công nghệ theo kế hoạch. Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung cũng đang được thành lập dựa trên Nghị định 154/2013/NĐ-CP, tuy nhiên nhiều quy định pháp luật liên quan đã thay đổi, khiến quy trình triển khai thiếu đồng bộ, kéo dài thời gian thực hiện.

UBND tỉnh cũng phản ánh rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn – cả trong và ngoài Nhà nước – vẫn không chấp nhận bản sao điện tử. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều trở ngại trong chuyển đổi số do thiếu nền tảng, công cụ và dịch vụ tư vấn chuyên biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Quy trình đầu tư và mua sắm công nghệ hiện nay cũng khá phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án chuyển đổi số một cách kịp thời và hiệu quả.
Để tháo gỡ những nút thắt trên, Bình Dương kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành Trung ương sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn, trong đó có các nghị định và thông tư chi tiết liên quan đến khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, tinh giản quy trình đầu tư công nghệ, tạo cơ chế thuê dịch vụ CNTT linh hoạt, tăng cường đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ.
Nguồn: https://nguoiquansat.vn/tinh-giau-nhat-viet-nam-giai-bai-toan-kho-cho-khu-cong-nghe-thong-tin-10-000-ty-dong-209993.html