Tỉnh ven biển Việt Nam sẽ làm “thần tốc” đường 12 làn xe gần 7.000 tỷ đồng nối với siêu dự án 67 tỷ USD

Mới đây, Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp về tiến độ triển khai các tuyến giao thông kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Trung – Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh cho biết, ngay khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tỉnh Bình Thuận đã chủ động lập phương án kết nối các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia với trung tâm của tỉnh để mở ra không gian mới, tạo động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây của tỉnh.

Dự án hơn 67 tỷ USD - Ảnh 1.

Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận họp triển khai các tuyến giao thông kết nối với dự án đường sắt tốc độ cao – Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận

Cụ thể, đối với tuyến đường kết nối trung tâm thành phố Phan Thiết với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, dự án dự kiến có quy mô 12 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 6.990 tỷ đồng. Trong đó, có bố trí đất dự phòng để đầu tư hệ thống tuyến đường sắt nhẹ đô thị (tàu metro điện) trong tương lai đồng bộ với tuyến đường bộ.

Về lộ trình tỉnh Bình Thuận dự kiến giai đoạn 1 (2026 – 2030) sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến; đầu tư hoàn thành 6 làn xe cơ giới và các công trình hạ tầng kỹ thuật (vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cây xanh,…) với tổng mức đầu tư khoảng 6.470 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (sau năm 2030) sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại gồm 6 làn xe cơ giới phần giao thông ưu tiên và dải phân cách giữa với kinh phí dự kiến khoảng 520 tỷ đồng.

Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ kết nối từ đầu đường Lê Duẩn (trung tâm TP Phan Thiết) đến nhà ga Phan Thiết (dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam) và nối với tuyến đường cao tốc Bắc – Nam.

Tỉnh nhìn nhận ban đầu tuyến kết nối này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng khi vừa nâng tầm đô thị Phan Thiết được kết nối liên vùng vừa tạo ra không gian phát triển kinh tế thương mại và giá trị quỹ đất ở 2 bên trục lộ của tuyến cũng như quỹ đất dành riêng để xây dựng các khu thương mại khác. Từ đây Phan Thiết sẽ phát huy được tiềm năng khu du lịch trọng điểm…

“Tỉnh Bình Thuận quyết tâm hoàn thành dự án chậm nhất là quý IV/2028, sẵn sàng kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam”, ông Nguyễn Hoài Anh nói tại buổi họp và yêu cầu chuẩn bị phương án đầu tư để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định ngay trong tháng 4.

Theo quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài 156 km với 2 ga hành khách là Phan Thiết và Phan Rí. Vì vậy, tỉnh Bình Thuận xác định việc thực hiện dự án đường kết nối ga Phan Thiết đến trung tâm thành phố Phan Thiết và phương án quy hoạch khu vực ga Phan Rí là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng.

Cử tri đề nghị tìm nhà thầu đủ trình độ, năng lực, tiềm lực

Ngày 13/3, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Phước liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Theo cử tri tỉnh Bình Phước, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được dự kiến thiết kế với tốc độ 350km/h là một chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên tốc độ 350km/h là một tốc độ cao, dễ xảy ra nguy hiểm nếu đường không được thi công đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng tương ứng. Vì vậy, cử tri tỉnh này đề nghị cân nhắc lựa chọn nhà thầu đủ trình độ, năng lực, tiềm lực thực hiện thiết kế, thi công, để đường được xây dựng đảm bảo hiệu quả.

Trong văn bản trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, đã nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương án đầu tư, giải pháp tổ chức thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Dự án hơn 67 tỷ USD - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua 20 tỉnh, thành – Ảnh minh hoạ tạo bởi Meta Ai

Hồi cuối tháng 1 năm nay, ông Nguyễn Trí Đức – Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng và giao thông) cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dự án.

Cụ thể, các kế hoạch bao gồm: Lựa chọn tư vấn; lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu các gói thầu thi công xây dựng… dự kiến, dự án sẽ khởi công vào tháng 12/2027.

Bộ cũng đang xây dựng, lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ xác định, quy định cụ thể các mốc tiến độ chính của dự án; thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng một số chính đặc thù, đặc biệt đối với dự án.

Nguồn: https://soha.vn/tinh-ven-bien-viet-nam-se-lam-than-toc-duong-12-lan-xe-gan-7000-ty-dong-noi-voi-sieu-du-an-67-ty-usd-198250314171104171.htm