Bạn đọc hỏi: Gia đình tôi muốn chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp đang canh tác cho các hộ gia đình khác. Vậy, việc giao dịch mua bán đất nông nghiệp căn cứ vào quy định nào của Nhà nước và thủ tục như thế nào?
Về vấn đề này, báo Tin tức thông tin như sau:
Nhà nước công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo nhu cầu, nguyện vọng của công dân. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được xét duyệt và quá trình chuyển nhượng cần diễn ra theo đúng trình tự, quy định pháp luật. Khi giao dịch đất nông nghiệp, cần xác định xem mảnh đất cá nhân định bán hoặc định mua có đáp ứng được điều kiện chuyển nhượng của Nhà nước hay không? Tất cả các mảnh đất chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình giao dịch được coi là trái quy định và không được pháp luật công nhận.
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 188, Luật Đất đai sửa đổi 2013, một mảnh đất nông nghiệp cần đáp ứng tất cả tiêu chí sau đây thì mới được giao dịch:
– Đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định (hay một số nơi còn gọi là Sổ đỏ). Đất không thuộc diện tranh chấp, kiện cáo.
– Đất không thuộc diện đang trong quá trình thi hành án. Cụ thể, Tòa án có thể ra phán quyết quyền sử dụng đất của bên bán đang bị kê biên và mảnh đất này sẽ không bán được tại thời điểm thi hành án.
– Đất nông nghiệp còn thời hạn sử dụng theo xác nhận của văn phòng địa chính địa phương.
– Việc chuyển nhượng đất nông nghiệp cần được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền, mọi sự thay đổi liên quan đến mảnh đất cần được cập nhật rõ trong sổ địa chính.
Còn căn cứ vào điều 191, Luật Đất đai sửa đổi 2013, các cá nhân hoặc hộ gia đình không tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng loại đất này để đảm bảo địa phương khai thác tốt quỹ đất. Nếu mảnh đất nằm trong các khu vực đặc biệt như rừng phòng hộ, khu bảo tồn sinh thái, rừng đặc dụng… thì có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp bên mua đảm bảo sẽ sinh sống tại khu vực đó.